Sống

"Thành phố dưới lòng đất" duy nhất Việt Nam: Xây dựng liên tục 22 năm, bên trong siêu chằng chịt, báo nước ngoài ca ngợi "kỳ thú bậc nhất thế giới"

Quỳnh Như 24/08/2023 10:02

Việt Nam có 1 nơi duy nhất được mệnh danh là "thành phố dưới lòng đất" được báo thế giới ca ngợi là những đường hầm kì thú nhất thế giới.

Địa đạo Củ Chi là hệ thống đường hầm phòng thủ trong lòng đất do dân quân huyện Củ Chi, TP.HCM đào trong vòng 22 năm, từ năm 1946 - 1968 bằng các dụng cụ thô sơ. Dù vậy, công trình lại được thiết kế thành hệ thống khoa học, góp phần vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ngày nay, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là địa danh thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá trong sự bất ngờ xen lẫn thán phục.

Hệ thống địa đạo bí ẩn

Ngày 12/7 vừa qua, kênh CNN của Mỹ đã đăng tải danh sách “Những đường hầm kỳ thú nhất thế giới", trong đó có sự xuất hiện của địa đạo Củ Chi của Việt Nam. Đây là địa điểm mang ý nghĩa lịch sử to lớn, nơi có bếp Hoàng Cầm nổi tiếng, chứng kiến qua một thời kỳ lịch sử của dân tộc.

Địa đạo Củ Chi còn được gọi là "thành phố dưới lòng đất" và được miêu tả là một "kỳ quan" đặc biệt "có 1 không 2" của Việt Nam. Ban đầu, địa đạo chỉ là những đoạn hầm ngắn, cấu trúc đơn giản dùng để ẩn nấp, cất giấu tài liệu, vũ khí, che giấu lực lượng kháng chiến, liên lạc, hỗ trợ thông tin. Mỗi làng làm một địa đạo riêng, về sau do nhu cầu đi lại, liên lạc giữa các làng xã, hệ thống hầm đã được nối liền nhau tạo thành một hệ thống địa đạo liên hoàn, phức tạp.

so-do-dia-dao-cu-chi.jpg
Địa đạo Củ Chi gồm hệ thống hang động thông nhau chằng chịt.

Đến năm 1965, đã có khoảng 200km địa đạo được đào và 500km chiến hào giao thông xung quanh. Địa đạo lúc này đã được định hình một cách bài bản và khoa học với 3 tầng sâu khác nhau, tầng trên cách mặt đất khoảng 3m, tầng giữa cách mặt đất khoảng 6m, tầng dưới cùng sâu 8-12m với nhiều đường hầm lớn nhỏ, nhiều khu vực được phân chia tùy theo chức năng khác nhau, như phòng ăn, phòng họp, phòng cứu thương, phòng chiếu phim, giếng nước nhà bếp với loại bếp Hoàng Cầm (bếp nấu giấu khói), lối thoát hiểm thông ra sông Sài Gòn… cùng với hệ thống thông hơi lên mặt đất được ngụy trang một cách bí mật và khoa học.

Để có được một địa đạo hoàn chỉnh như thế, hàng vạn chiến sĩ và nhân dân Củ Chi đã bất chấp các cuộc đánh phá thường xuyên của quân địch, ngày đêm thay nhau, bí mật đào những đường hầm dưới lòng đất và khéo léo ngụy trang vận chuyển một khối lượng đất rất lớn chỉ với sức người và những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng… Nhiều đoạn hầm đã phải đào lên đắp lại nhiều lần do bị bom pháo, xe tăng của địch phá hủy, càng cho thấy sự kiên trì và sáng tạo của quân và nhân dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến.

dia-dao-cu-chi-4.jpg
Bên trong địa đạo Củ Chi.

Địa đạo Củ Chi đã góp phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến, nhiều trận đánh lớn như Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất Đất nước…

Sau khi chiến tranh kết thúc, địa đạo Củ chi trở thành di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2015, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Đến năm 2016, đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.

Dự kiến đến năm 2027, UBND TP.HCM sẽ hoàn thiện hồ sơ, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đề nghị UNESCO xem xét đưa di tích lịch sử địa đạo Củ Chi và danh mục Di sản thế giới.

Làm sao để đến địa đạo Củ Chi?

dia-dao-cu-chi-1.jpg
dia-dao-cu-chi-2.png

Địa đạo Củ Chi cũng là nơi hiếm hoi của TP.HCM còn lưu lại những dấu ấn đậm nét lịch sử của một thời kỳ chiến tranh khói lửa. Thời gian gần đây, địa đạo Củ Chi thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước.

Trung bình khoảng 20 triệu lượt khách đã đến tham quan Khu di tích mỗi năm. Du khách tham quan rất thích thú là trải nghiệm khom người đi trong mê cung, tìm hiểu về cuộc sống, quá trình chiến đấu của quân và dân Củ Chi trong chiến tranh. Bên cạnh đó là những công trình chiến hào, hầm ăn, nhà bếp, phòng ngủ, kho chứa, quân y, kho lương thực, bếp Hoàng Cầm...

Để đến địa đạo Củ Chi, có nhiều cách, như đi xe máy, xe buýt, ô tô cá nhân, xe công nghệ... Cách nhiều người lựa chọn nhất là xe buýt, do chi phí rẻ. Ước thời gian từ trung tâm Sài Gòn đến địa đạo Củ Chi khoảng 1,5 giờ. Tuyến đường cần đi là Trường Chinh – Ngã tư An Sương – Hóc Môn – Tỉnh lộ 15 – Địa đạo Củ Chi.

Khu di tích địa đạo Củ Chi mở cửa từ 7h00 – 17h00, tất cả các ngày trong tuần. Giá vé tham quan địa đạo Củ Chi năm 2023 là 35.000 đồng/người đối với du khách Việt Nam. 70.000 đồng/người đối với du khách quốc tế. Nếu khách có nhu cầu tham quan thêm khu căn cứ kháng chiến thì mua thêm vé 40.000 đồng (giá vé có thể thay đổi tùy vào từng thời điểm).

7 gia tộc Hoa kiều giàu có bậc nhất tại Việt Nam: Cha đẻ loạt thương hiệu "quốc dân", tầm ảnh hưởng bao phủ từ thực phẩm đến ngân hàng, bất động sản...

‘Thành phố dưới lòng đất’ duy nhất của Việt Nam là Điểm đến được yêu thích nhất tại TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2024

Huy động hàng vạn người góp công đào 'ngôi làng trong lòng đất' dài 250km trong 22 năm ngay tại TP.HCM, khiến cả thế giới kinh ngạc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thanh-pho-duoi-long-dat-duy-nhat-viet-nam-xay-dung-lien-tuc-22-nam-ben-trong-sieu-chang-chit-bao-nuoc-ngoai-ca-ngoi-ky-thu-bac-nhat-the-gioi-197869.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Thành phố dưới lòng đất" duy nhất Việt Nam: Xây dựng liên tục 22 năm, bên trong siêu chằng chịt, báo nước ngoài ca ngợi "kỳ thú bậc nhất thế giới"
    POWERED BY ONECMS & INTECH