Thành phố giàu nhất Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ lớn, cao cấp, hiện đại của cả nước và khu vực
Cụ thể, Đề cương Đề án xây dựng TP trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực đã được UBND TP thông qua.
UBND TP.HCM vừa chính thức phê duyệt Đề cương Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực, tập trung vào các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao.”
Theo UBND TP.HCM, trong những năm qua, mô hình tăng trưởng kinh tế của thành phố đã chuyển dịch theo đúng hướng, với tỷ trọng dịch vụ ngày càng gia tăng so với sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Trong giai đoạn 2011 - 2022, nhóm ngành dịch vụ đã trở thành trụ cột chính trong cơ cấu GRDP của thành phố, chiếm tỷ trọng lớn nhất và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ (từ 57,67% năm 2010 lên 62,54% năm 2020 và đạt 64,2% vào năm 2022). TP.HCM không chỉ khẳng định vị thế là trung tâm dịch vụ hàng đầu của Việt Nam mà còn là cực tăng trưởng chính trong lĩnh vực này, đóng góp 25,7% vào tổng tăng trưởng của khu vực dịch vụ trên toàn quốc trong cùng giai đoạn.
Tuy nhiên, khu vực dịch vụ của TP.HCM vẫn đang đối diện với nhiều thách thức. Đa phần các đơn vị dịch vụ vẫn có quy mô vừa và nhỏ, chưa hình thành được các tập đoàn dẫn đầu có khả năng định hình thị trường. Ngoài ra, hạn chế về nguồn vốn đầu tư, sự liên kết tự nhiên theo xu hướng hợp nhất theo chiều dọc và chiều ngang còn yếu, đặc biệt là công tác chuyển đổi số vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển toàn cầu.
Do đó, việc xây dựng Đề án “Xây dựng TP trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao” (gọi tắt là Đề án) là một yêu cầu cấp thiết nhằm giúp TP vượt qua các vướng mắc, hạn chế còn tồn tại và tạo đà bứt phá trong tương lai.
Mục tiêu của Đề án là phân tích và đánh giá thực trạng phát triển các ngành dịch vụ trên địa bàn TP.HCM trong giai đoạn 2010 - 2023. Những yếu tố được xem xét bao gồm quy mô, tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng, giá trị gia tăng, nguồn lực và các điều kiện phát triển. Đồng thời, Đề án cũng sẽ chỉ ra những hạn chế, tiềm năng, lợi thế, cơ hội và thách thức mà TP.HCM phải đối mặt trong quá trình phát triển ngành kinh tế dịch vụ.
Đề án sẽ định hướng tầm nhìn chiến lược và xác định các nhóm ngành dịch vụ chủ chốt, then chốt, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với tiềm năng của TP.HCM và xu hướng phát triển của ngành dịch vụ trên thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Mục tiêu là phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của TP.HCM so với các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, từ đó nâng tầm vai trò của TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ hàng đầu trong khu vực.
Ngoài ra, Đề án còn xác định các nguồn lực, điều kiện cần thiết để phát triển các ngành dịch vụ chủ yếu, giúp TP.HCM tiên phong trong các dịch vụ chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, đồng thời trở thành đầu mối giao lưu, hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố và cả khu vực.
Đồng thời, Đề án cũng đề ra kế hoạch định hình các dịch vụ cao cấp và hiện đại trong giai đoạn tới, kế thừa những thành quả từ các đề án và chương trình nghiên cứu đã thực hiện, nhằm đảm bảo tính khả thi khi triển khai. Tiêu chí xác định các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao sẽ được xây dựng theo thông lệ quốc tế và chỉ tiêu thống kê của TP.HCM, làm cơ sở để đo lường và theo dõi quá trình đạt mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Cuối cùng, Đề án sẽ xác định các nhiệm vụ, chương trình, đề án và danh mục các dự án trọng điểm của từng ngành dịch vụ để tập trung triển khai. Đồng thời, các giải pháp, cơ chế, chính sách và lộ trình thực hiện cũng sẽ được đề xuất nhằm đảm bảo sự thành công của Đề án.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và dựa vào chỉ số GDP bình quân đầu người, năm 2023, trong số 63 tỉnh thành trong cả nước, TP. HCM là tỉnh có GDP bình quân đầu người cao thứ hai (sau tỉnh Bình Dương) và cao thứ nhất trong số các thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam với 107 triệu đồng/người/năm.