Thành phố giàu nhất Việt Nam vào top những thành phố đang chìm nhanh nhất thế giới
Với mực nước biển dâng cao, có rất nhiều mối lo ngại xoay quanh các thành phố lớn ven biển - nơi thường là trung tâm thương mại quan trọng và cũng là nơi sinh sống của hàng triệu người.
Một trong những hệ lụy thường được nhắc đến nhiều nhất của biến đổi khí hậu chính là mực nước biển dâng cao. Tuy nhiên, liên quan đến những lo ngại về mực nước biển dâng cao, có một vấn đề đang bị bỏ qua.
Đó chính là việc các thành phố ven biển đang chìm xuống như thế nào.
Có một hiện tượng được gọi là sụt lún đất cục bộ tương đối (RLLS), xảy ra khi các vật liệu dưới lòng đất như đất, đá hoặc thậm chí các công trình nhân tạo, bị nén chặt hoặc sụp đổ, khiến bề mặt phía trên chìm xuống.
Điều này có thể làm trầm trọng thêm tác động của mực nước biển dâng cao (hiện ở mức trung bình 3,7 mm/năm) và là thước đo hữu ích để theo dõi những khu vực ven biển.
Các nhà phân tích của Planet Anomaly đã xem xét 10 thành phố được xếp hạng theo tốc độ sụt lún cao nhất.
Họ sử dụng dữ liệu vệ tinh để theo dõi thay đổi về sụt lún đất ở 48 thành phố ven biển có dân số cao nằm trong phạm vi 50km tính từ bờ biển và đã vẽ ra Infographic dưới đây để thể hiện những thành phố ven biển đang chìm nhanh nhất thế giới.
Trong đó, đáng chú ý là TP. HCM của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2.
Quá trình thu thập dữ liệu của họ kéo dài 6 năm từ 2014 đến 2020.
Trong khoảng thời gian này, họ phát hiện ra 44 trong số các thành phố được nghiên cứu có các khu vực chìm nhanh hơn so với mực nước biển dâng.
Nhiều thành phố sở hữu dân cư đông đúc, được phát triển thành các siêu đô thị và xây dựng trên vùng đồng bằng ven sông bằng phẳng, trũng thấp.
10 thành phố ven biển chìm nhanh nhất
Thành phố đứng đầu trong danh sách là Thiên Tân, Trung Quốc với dân số hơn 14 triệu người.
Những khu vực trong thành phố này ghi nhận tốc độ lún đất cao nhất là 43mm/năm trong giai đoạn 2014–2020.
Còn tốc độ lún đất trung bình lại thấp hơn nhiều, ở mức 6mm/năm, nghĩa là một số nơi đang chìm nhanh hơn nhiều so với toàn bộ khu vực đô thị.
Theo chính quyền địa phương, vào tháng 6/2023, các vết nứt lớn bắt đầu xuất hiện trên đường phố Thiên Tân, được cho là do đất ngầm bị sập, hậu quả từ việc khoan địa nhiệt trên diện rộng.
TP. HCM (dân số 9 triệu người) ở Việt Nam cũng phải đối mặt với tình trạng sụt lún tương tự như Thiên Tân mặc dù tốc độ trung bình của thành phố này cao hơn (16mm/năm).
TP. HCM là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam. Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, thành phố này hiện có 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện, tổng diện tích 2.095km2.
Đây cũng là thành phố lớn nhất nước ta về dân số và cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng bậc nhất. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của thành phố ước đạt 1.621.191 tỷ đồng, tăng 5,81% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, Chittagong (Bangladesh), Yangon (Myanmar) và Jakarta (Indonesia) đều nằm trong top 5 thành phố ven biển có tốc độ sụt lún đất tương đối nhanh nhất.
Báo cáo chỉ ra lý do là bởi nhiều thành phố đang nhanh chóng phát triển thành các siêu đô thị, nơi các yếu tố nhân tạo như nhu cầu khai thác nước ngầm lớn và gánh nặng từ các công trình xây dựng dày đặc, góp phần gây ra sụt lún đất ở địa phương.
Hiện tại, Indonesia dự định sẽ di dời thủ đô đang lún chìm - Jakarta, đến một hòn đảo khác. Động thái có thể khiến chính phủ Indonesia tiêu tốn hơn 120 tỷ USD.
Điều này xảy ra sau dự báo rằng 1/3 Jakarta có thể bị chìm trong nước vào đầu năm 2050. Bên cạnh tình trạng lũ lụt thường xuyên, thành phố cũng rất dễ xảy ra động đất.
Tại sao phải đo độ lún đất ở địa phương?
Các nhà nghiên cứu của báo cáo này lập luận rằng tình trạng sụt lún đất cục bộ phần lớn bị đánh giá thấp trong quá trình xem xét mực nước biển dâng tương đối. Đồng thời, họ khẳng định tình trạng sụt lún cũng rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của các khu vực ven biển.
Dữ liệu được thu thập còn cho phép họ xác định những khu vực và vùng lân cận cụ thể tại các thành phố đang trải qua sự sụt lún nhanh chóng, và do đó phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn từ các hiểm họa ven biển.
Ví dụ như ở New York (Mỹ), kết quả của nhà nghiên cứu cho thấy rằng tình trạng sụt lún chỉ diễn ra ở phía Tây Breezy Point và “không ảnh hưởng đến phía Đông dọc theo bờ biển” của Long Island.