Thành phố ít phường nhất Việt Nam, giáp ranh 2 quốc gia sẽ 'cất cánh' lên đô thị loại I trong năm 2025
Địa phương này nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước, được mệnh danh là hòn đảo ngọc trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Phú Quốc là hòn đảo du lịch lớn nhất Việt Nam, thuộc TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Vùng biển Phú Quốc có 22 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất có diện tích 567km2, dài 49km. Nơi đây có nhiều bãi biển đẹp trải dài từ phía Bắc đến phía Nam và 99 ngọn núi trập trùng, với dãy rừng nguyên sinh trùng điệp. Đặc biệt, năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có Phú Quốc, là niềm tự hào của người dân hòn đảo.
Phú Quốc là nơi có ít phường nhất nước ta, chỉ 2 phường và 7 xã nhưng thành phố đã thu ngân sách năm 2022 đạt 6.000 tỷ đồng, bằng 51% của cả tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, giáp với TP. Hà Tiên, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) và các nước Campuchia, Thái Lan.
> > ‘Thủ phủ’ công nghiệp miền Bắc Việt Nam sẽ có thêm một thị xã vào năm 2028
Đảo ngọc Phú Quốc là nơi hấp dẫn du khách. Ảnh internet |
Với tiềm năng về bất động sản du lịch như vậy, ngày 6/12/2021, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định 2996/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của TP. Phú Quốc, trong đó nêu rõ: phấn đấu đến năm 2025, Phú Quốc sẽ trở thành đô thị loại I, xây dựng thành phố đảo Phú Quốc trở thành thành phố du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Để chuẩn bị lên đô thị loại I, đảo ngọc Phú Quốc đã từng bước chuẩn bị cơ sở hạ tầng, dự án phù hợp với quy hoạch thành phố trực thuộc tỉnh mới.
Về kế hoạch sử dụng nguồn lực đất đai, Phú Quốc sẽ ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông, xã hội. Trong năm 2024, UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư 2 dự án đang rất cấp thiết đối với sự phát triển của TP Phú Quốc là dự án đường ven biển Phú Quốc có tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng và dự án đường vành đai ven rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên đảo Phú Quốc với tổng chiều dài khoảng 184km.
Con đường vòng quanh đảo lớn nhất tại Phú Quốc. Ảnh internet |
Định hướng đến năm 2030, Phú Quốc sẽ đầu tư phát triển khoảng 22 tuyến đường (tổng chiều dài hơn 255km), bố trí bến xe tại 2 phường Dương Đông và An Thới, khu vực Suối Cái (diện tích tối thiểu 15.000m²/bến), trạm dừng xe buýt trên các tuyến đường… Hệ thống trường học, bệnh viện, hành chính công… cũng được tập trung đầu tư xây dựng phát triển. Bên cạnh đó, Phú Quốc sẽ đẩy nhanh thực hiện các chiến lược phát triển đô thị, đặc biệt tập trung quy hoạch vào đô thị để ở lâu dài thay vì chỉ tập trung vào mục đích du lịch, nghỉ dưỡng như trước.
Tháng 9 vừa qua, HĐND tỉnh Kiên Giang cũng đã thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện 4 dự án với tổng diện tích hơn 22ha, trong đó chuyển đổi trên địa bàn Phú Quốc hơn 20ha với 3 dự án.
Các dự án sẽ triển khai gồm: Dự án mở rộng Ban Chỉ huy quân sự huyện Kiên Lương (hơn 2,3ha); Dự án nâng cấp, mở rộng đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và xây dựng nhánh nối với đường trục Nam - Bắc TP. Phú Quốc (hơn 6,3ha); Dự án xây dựng trụ sở Công an TP. Phú Quốc (hơn 6ha); Dự án xây dựng Doanh trại Tiểu đoàn Đặc công nước, Lữ đoàn 5, Bộ Tư lệnh Đặc công (8ha).
Tính đến năm 2023, Phú Quốc đã thu hút 4.404 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 142.000 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần số doanh nghiệp thành lập và tăng hơn 383 lần số vốn đăng ký so với năm 2004.
Về thu hút đầu tư, Phú Quốc đã thu hút được 321 dự án, với diện tích sử dụng đất khoảng 10.652ha; tổng vốn đầu tư đăng ký trên 412.000 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng số dự án toàn tỉnh, trong đó có 312 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 10.111ha.