Thế giới "khát" gạo - Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam?

16-05-2023 10:54|Thanh Bình

Theo dự báo, nguồn cung lương thực giảm mạnh trong khi nhu cầu dự trữ của các nước tăng cao sẽ là đòn bẩy giúp xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kỷ lục trong năm 2023.

Nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung toàn cầu sụt giảm

Thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) điều chỉnh tăng 0,9 triệu tấn so với dự báo trước, lên 55,9 triệu tấn. Con số này chỉ thấp hơn 0,2 triệu tấn so với kỷ lục 56,15 triệu tấn của năm 2022.

Trong khi đó, trong báo cáo tháng 4/2023, USDA đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 509,4 triệu tấn, giảm 4,4 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022. Trong khi đó, tiêu thụ gạo toàn cầu dự báo tăng 0,9 triệu tấn lên mức kỷ lục 520 triệu tấn.

USDA cũng đưa ra dự báo, tồn kho gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 giảm gần 2 triệu tấn so với dự báo trước và thấp hơn 6% so với niên vụ 2021-2022, xuống còn 171,4 triệu tấn. Như vậy, tồn kho gạo toàn cầu dự kiến sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp và giảm xuống mức thấp nhất kể từ niên vụ 2017-2018.

So với niên vụ trước, tồn kho gạo dự báo giảm ở Brazil, Myanmar, Trung Quốc, Ấn Độ…

Điều này cho thấy, cung-cầu gạo đang “lệch” nhau, bởi trong khi nhu cầu dự trữ gạo của các nước tăng lên nhưng nguồn cung cũng như số lượng dự trữ gạo từ các niên vụ đang giảm sút. Điều này tạo cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam, bởi theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), năm 2023 Việt Nam vẫn có thể đủ nguồn cung để xuất khẩu khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo, trong đó gạo chất lượng cao chiếm tỉ trọng lớn.

Thế giới
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt

Trong quý 1/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,85 triệu tấn với giá trị lên đến 981,4 triệu USD, tăng mạnh 23,4% về lượng và 34,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đây là khối lượng xuất khẩu cao nhất quý 1 trong 12 năm qua và kim ngạch đạt cao nhất trong các quý 1 kể từ trước đến nay. Các thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu là Philippines, Trung Quốc.

Theo Bộ NNPTNT, xuất khẩu gạo của nước ta sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới do nhu cầu từ các thị trường lớn đang tăng lên và nguồn cung của nhiều thị trường xuất khẩu gạo đang giảm.

Bên cạnh đó, nhiều dự báo cho thấy hiện tượng thời tiết El Nino sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm 2023, làm gia tăng rủi ro về nguồn cung lúa gạo tại khu vực châu Á. Điều này khiến các quốc gia trong khu vực như Philippines hay Indonesia phải tăng cường kho dự trữ quốc gia.

Chính phủ Indonesia cho biết, sẽ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể.

Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết: Sau 3 năm không phải nhập khẩu gạo dự trữ, năm nay Indonesia dự kiến nhập khẩu 2 triệu tấn gạo, nguồn cung dự kiến đến từ Việt Nam, Thái Lan.

Để tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo sang Indonesia, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt (đặc biệt là doanh nghiệp từng có giao dịch bán gạo dự trữ cho Indonesia) chủ động gửi bản giá chào tới Cơ quan hậu cần Indonesia (Perum Bulog) trong thời gian sớm nhất để quảng bá xúc tiến sản phẩm.

Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã đề xuất nhập khẩu 330.000 tấn gạo để bù đắp thâm hụt dự kiến trong kho dự trữ, giữa lúc chính phủ đang tìm cách kiềm chế giá cả của loại lương thực chủ lực này và hạn chế áp lực gia tăng đối với lạm phát.

Trong quý 1/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines đạt 893.254 tấn, trị giá 450,4 triệu USD, tăng 32,9% về lượng và 44,8% về giá trị so với quý 1.2022. Cũng trong quý 1, Philippines chiếm 48,2% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta, tăng so với tỉ trọng 44,7% của quý 1 năm ngoái.

Trong năm 2023, Trung Quốc được dự báo vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với 5,1 triệu tấn, nhưng so với năm 2022 giảm 1 triệu tấn do ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu tấm từ Ấn Độ.

Trong tháng 3/2023 vừa qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai là Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh 94,4% so với cùng kỳ, lên mức 187.746 tấn. Tính chung quý 1/2023, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đã tăng tới 90,7% lên 340.385 tấn, chiếm 18,4% tổng xuất khẩu gạo của cả nước.

Đáng nói, lượng gạo xuất khẩu sang Indonesia trong quý 1/2023 cũng tăng đột biến 11.793%, đạt 148.587 tấn. Indonesia trở thành thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ ba của nước ta.

Ngoài ra, xuất khẩu gạo cũng ghi nhận đà tăng trưởng cao ở một số thị trường như Mozambique, Đài Loan, Tanzania, Chile…

Giá lúa gạo hôm nay 11/12: lúa tươi tiếp đà tăng cao

Giá lúa gạo hôm nay 10/12: gạo nguyên liệu thơm nhích nhẹ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/the-gioi-khat-gao-co-hoi-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-viet-nam-183371.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thế giới "khát" gạo - Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam?
    POWERED BY ONECMS & INTECH