Thế giới lên cơn sốt siêu thành phố: Người âm thầm gom đất nông nghiệp, kẻ nuôi mộng xây đại đô thị giữa sa mạc

10-03-2024 16:01|Hoàng Yến

Trong thập kỷ vừa qua các quốc gia trên toàn thế giới đã công bố xây dựng tổng cộng 91 thành phố mới. Riêng năm ngoái con số là 15.

Cơn sốt xây thành phố mới

Dưới bầu trời còn hoang sơ ở châu Phi, tòa nhà cao nhất châu lục này đang được xây dựng. Tòa nhà mang tên Iconic Tower ở miền Bắc đất nước Ai Cập là một phần của siêu thành phố mà giới chức nước này kỳ vọng sẽ là nơi sinh sống của 6,5 triệu người. Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn giờ thì khung cảnh vẫn hoang vu giống như sa mạc.

Dự án xây dựng “thủ đô hành chính mới” của Ai Cập nằm trong làn sóng xây dựng thành phố đang bùng nổ trên khắp thế giới. Trong thập kỷ vừa qua các quốc gia trên toàn thế giới đã công bố xây dựng tổng cộng 91 thành phố mới. Riêng năm ngoái con số là 15.

Ngoài thủ đô mới, Ai Cập còn đang xây dựng 5 thành phố khác. Ấn Độ muốn quy hoạch 8 vùng đô thị. Ngoài Baghdad, Iraq cũng vừa động thổ dự án đầu tiên trong danh sách 5 siêu đô thị mới.

>> Thành phố đông dân nhất Việt Nam lọt top tăng trưởng triệu phú nhanh nhất thế giới, xếp trên cả Thượng Hải

Làn sóng xây thành phố không chỉ xuất hiện ở các nền kinh tế phát triển. Những năm gần đây, một số nhà đầu tư ở Mỹ đã bí mật thâu tóm đất đai cho một thành phố mới ở California. Ở phía Đông, những sa mạc ở Arizona và Nevada thu hút 2 tỷ phú Bill Gates và Marc Lore. Kể cả ông Donald Trump cũng đưa ra ý tưởng xây dựng 10 “thành phố tự do” trong chiến dịch tái tranh cử của mình.

Thế giới lên cơn sốt siêu thành phố: Người âm thầm gom đất nông nghiệp, kẻ nuôi mộng xây đại đô thị giữa sa mạc
Nhiều thành phố mới đang mọc lên trên khắp thế giới

Phát minh vĩ đại nhất của loài người

Không phải tất cả các dự án đều sẽ thành công. Lịch sử cho thấy một phần không nhỏ không thể trở thành hiện thực. Tuy nhiên, như giáo sư Edward Glaeser của ĐH Harvard nhận xét, các thành phố chính là phát minh vĩ đại nhất của loài người.

Theo ông, việc tập hợp tiền bạc và nhân tài vào các thành phố lớn sẽ giúp xã hội trở nên giàu có hơn, thông minh hơn và xanh hơn. Bởi vì các công ty chuyển đến gần khách hàng hơn và người dân có nhiều cơ hội việc làm hơn, các thành phố phát triển sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế.

>> Bhutan gây sốc với dự án 'Thành phố chánh niệm' rộng 1.000km2, giữ nguyên 35 con sông và suối bằng cách xây dựng những 'cây cầu có thể ở được'

Theo các chuyên gia kinh tế, khi dân số của 1 thành phố tăng gấp đôi, năng suất sẽ tăng 2-5%. Với nhu cầu về các khu đô thị mới và sức ép lên những thành phố cũ đang rất lớn, xây dựng những thành phố hoàn toàn mới là 1 quyết định sáng suốt.

Tại Mỹ, ý tưởng xây dựng 1 thành phố mới ở ngoại ô San Francisco với tên gọi “California Forever” nảy sinh từ chính tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng tại khu vực bờ Tây nước Mỹ. Dự án được thúc đẩy bởi một nhóm nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon, gồm Laurene Powell Jobs (vợ của Steve Jobs), Reif Hoffman (nhà đồng sáng lập LinkedIn) và nhà đầu tư mạo hiểm Sir Michael Moritz.

Thế giới lên cơn sốt siêu thành phố: Người âm thầm gom đất nông nghiệp, kẻ nuôi mộng xây đại đô thị giữa sa mạc
Siêu thành phố NEOM được cho là sẽ định hình tương lai của Saudi Arabia

Nếu được công chúng ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới, California Forever sẽ cung cấp chỗ ở cho 400.000 cư dân trên diện tích đất 60.000 mẫu Anh mà hiện vẫn đang là những cánh đồng.

Tại California Forever và nhiều thành phố khác, các nhà quy hoạch đô thị đang quảng bá ý tưởng về những đô thị có mật độ dày đặc mà các cư dân có thể đi bộ tới trường học, công sở và nơi mua sắm mà không cần dùng tới ô tô. Ý tưởng “thành phố 15 phút” – tức có thể đi tới các điểm quan trọng chỉ trong 15 phút đi bộ - trở thành ưu điểm quan trọng được quảng bá rộng rãi.

Ngoài ra, một số thành phố mới ở Ấn Độ và Mỹ được quảng cáo là “thành phố thông minh”, sử dụng cảm biến để thông báo cho cư dân về mật độ giao thông hay đâu là thời điểm thích hợp nhất để đi tắm.

Trong khi đó một số dự án lại trở thành những thử nghiệm xã hội. Ví dụ, thành phố Telosa không áp dụng sở hữu đất đai tư nhân mà thay vào đó là chế độ sở hữu cộng đồng, tiền thu được từ cho thuê đất sẽ được sử dụng cho các dịch vụ công. Hay có thể kể đến thành phố Prospera ở Honduras sẽ chấp nhận tiền số và xây dựng 1 đặc khu kinh tế tự do để phục vụ sứ mệnh “tối đa hóa thịnh vượng của loài người”. Các tỷ phú công nghệ Marc Andreesen và Peter Thiel nằm trong số những người ủng hộ các ý tưởng này.

Về phía Chính phủ các nước, họ có nguồn vốn dồi dào và mức lãi suất siêu thấp trong những năm 2010 cũng cho phép các chính trị gia thoải mái đi vay. Mặc dù hiện lãi suất đã tăng trở lại, nhiều nơi vẫn hào hứng xây dựng các thành phố mới. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo tin rằng sử dụng tiền ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Trong đó, xây dựng những thành phố mới là lựa chọn phổ biến.

Đối với nhà lãnh đạo Muhammed bin Salman của Saudi Arabia, NEOM, thành phố dài 170km được xây dựng giữa sa mạc, sẽ là một điểm cộng lớn để đất nước ông thu hút những ngành còn thiếu và yếu như dịch vụ tài chính, sản xuất và du lịch. Tương tự, Indonesia và Ai Cập coi việc xây dựng thủ đô mới sẽ mang lại rất nhiều việc làm cũng như sự ủng hộ của cử tri.

Tiền đâu để xây siêu thành phố?

Một số cơ sở hạ tầng như điện, đường, Internet phải được hoàn thành trước cả khi người dân đầu tiên dọn đến. Điều đó đồng nghĩa chi phí xây dựng ban đầu là một con số khổng lồ.

Thái tử Muhammed dựa vào nguồn thu vô tận từ dầu mỏ để chi trả cho NEOM với chi phí ban đầu lên tới 319 tỷ USD. Tuy nhiên, những hào hứng ban đầu và thậm chí cả tiền bạc cũng có thể cạn kiệt nhanh chóng, dẫn đến những dự án dang dở hay “đầu voi đuôi chuột”.

Lịch sử cho thấy những dự án thành công nhất đều có chung một số đặc điểm. Quan trọng nhất là phải nhận được sự ủng hộ của người nộp thuế. Những thứ tưởng như “nhàm chán” là đường sá và hệ thống thoát nước phải được tối ưu để tạo ra 1 thành phố tiện lợi, sạch sẽ (không nhất thiết phải có những công nghệ thông minh). Và đặc biệt, một thành phố mới nên nằm cạnh những thành phố phát triển lâu đời. Ở Anh, Milton Keynes, thành phố ra đời trong những năm 1960 và hiện đang rất phát triển, chỉ nằm cách London 1 giờ đi tàu. Hay Reston, thành phố nằm ngay cạnh Washington, là một ví dụ thành công khác.

>> Bloomberg: Khủng hoảng bất động sản lại là vận may của kinh tế Trung Quốc

Thành phố nằm giữa 2 khu kinh tế trọng điểm ven biển của quốc gia đón loạt ‘siêu’ dự án bất động sản

Thị xã trẻ 9 tuổi sắp 'cất cánh' lên thành phố, giá đất nơi đây liệu có 'lên hương'?

Thành phố giàu nhất Việt Nam vào top những thành phố đang chìm nhanh nhất thế giới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/the-gioi-len-con-sot-sieu-thanh-pho-nguoi-am-tham-gom-dat-nong-nghiep-ke-nuoi-mong-xay-dai-do-thi-giua-sa-mac-225794.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thế giới lên cơn sốt siêu thành phố: Người âm thầm gom đất nông nghiệp, kẻ nuôi mộng xây đại đô thị giữa sa mạc
POWERED BY ONECMS & INTECH