Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng sáp nhập, 'siêu thành phố' ở ĐBSCL mạnh cỡ nào?
Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng sau sáp nhập sẽ trở thành ‘siêu’ thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vậy, trước khi hợp nhất, quy mô kinh tế của 3 địa phương này như thế nào?
Trung ương đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố. Trong đó, hợp nhất Thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang. Tên mới dự kiến là Thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Cần Thơ hiện nay.
Đây sẽ là 1 trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh ở nước ta.
Mới đây, ông Trương Cảnh Tuyên - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, đã ký công văn gửi UBND tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang về việc tuyên truyền và tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với dự thảo đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Các địa phương sẽ hoàn thiện hồ sơ gửi về UBND TP Cần Thơ trước ngày 20/4.
Cả 3 địa phương này đều nằm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với thế mạnh về phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ. Sau khi sáp nhập tỉnh, Cần Thơ sẽ là "siêu thành phố" ở khu vực này.
Theo số liệu sơ bộ của Cục Thống kê, quy mô GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) theo giá hiện hành năm 2023 của Thành phố Cần Thơ đạt 119.377 tỷ đồng, gần bằng tổng quy mô GRDP của Sóc Trăng (72.472 tỷ đồng) và Hậu Giang (59.809 tỷ đồng).
Cơ cấu GRDP của 3 địa phương này có sự khác biệt đáng kể. Cụ thể, ở Cần Thơ, khu vực dịch vụ chiếm áp đảo với tỷ lệ 52,62% trong cơ cấu GRDP; tại Sóc Trăng, khu vực nông lâm thuỷ sản chiếm 41,63%, dịch vụ 38,78%.
Trong khi ở Hậu Giang có sự phân bổ tương đối đồng đều khi lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,02%, nông lâm thuỷ sản chiếm 21,54% và dịch vụ là 33,16%.
Xét về thu ngân sách nội địa, thống kê sơ bộ cho thấy, TP Cần Thơ dẫn đầu nhóm địa phương này với mức thu 10.843,3 tỷ đồng năm 2023, cao hơn mức thu ngân sách nội địa của Sóc Trăng (4.864,5 tỷ đồng) và Hậu Giang (5.524,6 tỷ đồng) cộng lại.
Còn về GRDP bình quân đầu người, theo số liệu sơ bộ năm 2023, TP Cần Thơ đạt 94,8 triệu đồng/người/năm; Hậu Giang là 82,1 triệu đồng và đứng cuối trong nhóm này là Sóc Trăng đạt 60,5 triệu đồng/người/năm.
Dù vậy, mức GRDP bình quân đầu người của 3 địa phương này đều thấp hơn so với mức bình quân cả nước (102,9 triệu đồng/người/năm).
Ngoài ra, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của 3 địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long này cũng khá khiêm tốn.
Theo thống kê sơ bộ năm 2023, Cần Thơ có 3 dự án được cấp phép với vốn FDI đăng ký đầu tư là 64 triệu USD và vốn thực hiện là 103,8 triệu USD; Sóc Trăng có 1 dự án, vốn đăng ký 90,8 triệu USD, vốn thực hiện chỉ 0,6 triệu USD.
Tương tự, Hậu Giang cũng chỉ có 1 dự án được cấp phép với vốn FDI đăng ký là 23,6 triệu USD, trong khi vốn thực hiện là 0.
Trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hoá, kim ngạch xuất khẩu của Cần Thơ và Sóc Trăng trong năm 2023 khá tương đồng, lần lượt đạt 1.585,4 triệu USD và 1.507 triệu USD, còn Hậu Giang dừng ở 606 triệu USD.
Tuy nhiên, so với năm 2022 thì kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của Cần Thơ giảm 7,6%; Hậu Giang giảm 13% và Sóc Trăng cũng giảm nhẹ 0,6%.
(Bài viết sử dụng dữ liệu từ Tư liệu kinh tế - xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2019-2023; số liệu trong Niên giám thống kê năm 2023 của Cục Thống kê; Báo cáo thống kê sơ bộ xuất nhập khẩu của Cục Hải quan).
>> Sau sáp nhập, tỉnh mới này sẽ 'thế chỗ' Bắc Ninh làm tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam
Sau sáp nhập, tỉnh mới này sẽ 'thế chỗ' Bắc Ninh làm tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam
Sau sáp nhập, tỉnh nào sẽ thay thế Bắc Ninh trở thành tỉnh nhỏ nhất nước?