Thi công thần tốc, 'bộ não' sân bay lớn nhất Việt Nam đã đạt độ cao hơn 91m
"Bộ não" của sân bay lớn nhất Việt Nam - tháp không lưu sau thời gian thi công "thần tốc" hiện đã đạt độ cao 91m, vượt tiến độ so với kế hoạch và hứa hẹn sẽ “về đích” trước thời hạn.
Thời điểm hiện tại, tại dự án thành phần 2 sân bay Long Thành (các công trình quản lý bay), công tác thi công đang được đẩy nhanh ở tất cả các hạng mục, đặc biệt ở công trình đài kiểm soát không lưu. Đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành và các công trình quản lý bay có tổng mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng.
Theo đại diện đơn vị thi công tại khu vực quản lý bay, hạng mục đài kiểm soát không lưu được xem là đường găng của dự án.
Thời điểm hiện tại, tháp không lưu đã đạt 85% phần thô bê tông cốt thép; còn toàn bộ 5 hạng mục của các công trình quản lý bay hiện đã đạt 95% phần thô bê tông cốt thép.
Tháp không lưu đang xây hiện đã đạt được độ cao 91m, vượt tiến độ 70 ngày, công nhân hiện vẫn đang tập trung dựng ván khuôn, cốt thép vách tầng và làm việc nhiều ca kíp.
Ngoài ra, các trạm radar cơ bản cũng đã hoàn thành phần thô, đang xây dựng và dự kiến trong tháng 7 sẽ hoàn thành.
Các nhà phụ trợ khu đài kiểm soát không lưu hiện đang xây tường, dự kiến trong tháng 8/2024 sẽ hoàn thành xong cơ bản, riêng khu vực đài dẫn đường đa hướng công nhân hiện cũng đang làm phần thô bê tông cốt thép.
Hơn 200 công nhân và kỹ sư được chia làm nhiều ca kíp nhằm đẩy nhanh các công việc ở các hạng mục, bù cho những ngày trời mưa nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành tháp không lưu vào 30/6/2025.
Tháp không lưu của dự án sân bay Long Thành có chiều cao 123m được ví như "bộ não" của sân bay, giữ trọng trách đảm bảo nhiều hoạt động của sân bay.
Tháp được thiết kế theo hình búp sen hài hòa với hình ảnh hoa sen của nhà ga hành khách, có đường kính thân rộng 10m, cabin kiểm soát có diện tích 150m2, hai cabin kiểm soát sân đỗ có diện tích mỗi cabin khoảng 70m2.
Dự án thành phần 2 ngoài đài không lưu còn có các hạng mục phụ trợ gồm: Trạm radar sơ cấp/thứ cấp và trạm thu phát sóng vô tuyến VHF không địa; radar khí tượng; đai dẫn đường đa hướng và đo cự ly; hệ thống giám sát đa điểm; hệ thống quan trắc thời tiết tự động; dữ liệu giữa các công trình nhằm đảm bảo hoạt động bay; hệ thống cấp điện trung thế cho các công trình nhằm đảm bảo hoạt động bay.
Tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ra chỉ đạo quan trọng đối với "siêu dự án" này.
"Dứt khoát không để tình trạng kéo dài, chậm tiến độ và chưa rõ hướng xử lý khả thi, hiệu quả như vừa qua", Báo Điện tử Chính phủ dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Sân bay quốc tế Long Thành nằm trong quy hoạch phát triển và lập dự án đầu tư từ năm 1997.
Sau hơn 20 năm, ngày 5/1/2021 công trình này mới chính thức được khởi công giai đoạn 1 và dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2025.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích hơn 5.000ha tại huyện Long Thành (Đồng Nai) với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD.
Sân bay Long Thành là cảng hàng không quốc tế quan trọng của nước ta, được kỳ vọng trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực trong tương lai.
Sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam với công suất phục vụ cho 100 triệu lượt khách và 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
>> Chi gần 14.000 tỷ để 'thay áo' cho tuyến đường huyết mạch kết nối TP. HCM với Bình Dương