Gần đây, sự liên thông giữa thị trường tài chính và thị trường bất động sản không minh bạch đã tạo ra rủi ro lớn khiến doanh nghiệp ngày càng “nghẹt thở” trong việc tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư.
Giá đất tại Việt Nam đang vượt sức chịu đựng của nền kinh tế và thu nhập của người dân. Cụ thể, trong một báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), giá nhà đất tại Việt Nam cao gấp 20 lần thu nhập bình quân của người dân.
Tình trạng cung - cầu lệch pha cũng đang gây ra nhiều bất ổn. Giá nhà vẫn liên tục tăng cao, thậm chí tăng tới vài chục phần trăm chỉ trong 2 năm trở lại đây.
Tại TP. HCM hiện có hàng trăm dự án “nghẽn” do liên quan đến các thủ tục quy trình hành chính, nên không phát triển được. Những dự án này nguy hiểm với nhà đầu tư khi lượng tiền đổ vào khá lớn, nhưng không thể triển khai. Bên cạnh đó là các vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý của hàng chục đạo luật khác nhau như vấn đề giá đất, thu tiền đất, giao đất cho thuê đất…
Mặc dù là địa phương phát triển nhà ở xã hội tốt nhất trên cả nước nhưng từ 2015 - 2020 TP. HCM cũng chỉ đưa ra được 15.000 căn nhà ở xã hội.
Chính sự thiếu hụt nguồn cung dự án đã dẫn tới thiếu hụt nguồn cung sản phẩm nhà ở. Riêng đối với TP. HCM, đỉnh cao thị trường là năm 2017, các chủ đầu tư đã đưa ra thị trường 30.000 căn nhà ở/năm, những năm gần đây thấp hơn, chỉ khoảng 16.000 căn/năm. Thị trường cũng phát triển lệch pha, nếu năm 2020 có 1% là nhà ở giá thấp, thì năm 2021 là 0%.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), thị trường bất động sản TP. HCM đang gặp nhiều khó khăn, nguồn cung hạn hẹp, cung - cầu lệch pha và hàng trăm dự án vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ.
“Có 3 dòng vốn chính cho doanh nghiệp bất động sản thì 2 dòng đang bị “bóp” là tín dụng và trái phiếu, kênh huy động từ khách hàng cũng đang “tắc” thì làm sao doanh nghiệp bất động sản “thở”? Trái phiếu “rác” nhất trong lĩnh vực bất động sản làm ảnh hưởng toàn bộ hoạt động phát hành trái phiếu huy động vốn của doanh nghiệp”, ông Châu bày tỏ.
Chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực cũng nói rằng bất động sản liên quan ít nhất 4 lĩnh vực có đóng góp lớn cho GDP là xây dựng, du lịch, lưu trú ăn uống và tài chính ngân hàng. Chưa kể, bất động sản là lĩnh vực liên quan đến 35 ngành nghề khác nhau, thu hút vốn FDI tới 10% trong những tháng đầu năm 2022.
Đồng tình với các ý kiến trên, ông Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho hay, trong 20 năm qua thị trường bất động sản đã đóng góp rất lớn trong quá trình đô thị hoá, phát triển hạ tầng công nghiệp... Tuy nhiên, thị trường bất động sản cũng có những khuyết tật, méo mó.
Ông Lịch đặt vấn đề, dù chấn chỉnh tín dụng thế nào thì Ngân hàng Nhà nước phải làm sao để những dự án bất động sản nhà ở, khu công nghiệp… đang vận hành tốt thì vẫn phải bơm vốn để dự án hoàn thành.
“Nếu thị trường bất động sản ngưng trệ sẽ tác động rất lớn tốc độ phát triển kinh tế. Đặc biệt đối với TP. HCM, thị trường bất động sản càng quan trọng, vì nó sẽ thúc đẩy rất nhiều ngành phát triển, trong đó có ngành xây dựng”, ông Lịch nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực cũng đặc biệt lưu ý: “Bất động sản là ngành liên thông chặt chẽ giữa ngân hàng - chứng khoán- bảo hiểm. Nếu bất động sản bị ảnh hưởng thì hệ lụy kéo theo hàng loạt. Trong khi đó, nền kinh tế của chúng ta trên góc độ vĩ mô đang phục hồi rất tốt sau đại dịch, nếu để các yếu tố liên quan dòng vốn ảnh hưởng đến bất động sản, chứng khoán thì thực sự không đáng. Vì vậy, cần xem xét để phát triển doanh nghiệp xanh, trái phiếu xanh, bất động sản bền vững…”.
Cả 3 vị chuyên gia đều nhận định, trái phiếu "rác" làm ảnh hưởng việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Vì thế cần phải chấn chỉnh, phân loại và xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp để việc phát hành trái phiếu lành mạnh, tránh rủi ro. Đồng thời, Chính phủ cần định hướng dòng vốn tích cực để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững; có sự minh bạch, công bằng… chứ không phải lúc nóng sốt, lúc đóng băng.