Thị trường tín chỉ carbon đang nóng dần lên: Những điều có thể bạn chưa biết

05-06-2023 10:40|Hồ Nga

Việt Nam đang tiến tới triển khai thị trường tín chỉ carbon - miếng bánh ngon hàng trăm tỷ USD liệu sẽ thuộc về ai?

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố chính thức lộ trình tiến đến Net Zero 2050 với chương trình hành động "Vinamilk Pathway to Dairy Net Zero 2050". Cùng với đó Vinamilk công bố thông tin công ty có nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060.

Thông tin từ Vinamilk khiến từ khóa "tín chỉ carbon" một lần nữa lại được nhắc đến. Thị trường mua bán tín chỉ carbon ở Việt Nam đang dần nóng lên, được nhắc tới liên tục. Trước hết chúng ta đi tìm hiểu tổng quan vấn đề.

Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e). Đây là đơn vị mua bán trên thị trường tín chỉ carbon.

Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ.

Thị trường tín chỉ carbon: Những điều có thể bạn chưa biết

Lịch sử của thị trường carbon

Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quôc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết.

Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay còn gọi là thị trường tín chỉ carbon.

Hiểu nôm na: Theo chương trình mua bán phát thải, một công ty có lượng phát thải thực thấp hơn mức giới hạn của nó, có thể bán phần tín chỉ thừa cho một công ty khác có phát thải vượt quá mức giới hạn.

Ví dụ: Công ty A có giới hạn phát thải 10 tấn carbon/năm, nhưng công ty A lại thải ra đến 15 tấn/năm. Còn công ty B có giới hạn 10 tấn, nhưng mà chỉ phát thải ra 5 tấn, thừa 5 tấn khí thải được phép phát ra. Do vậy công ty A có thể tìm đến công ty B mua bổ sung 5 tấn khí phát thải thừa, để đủ chỉ tiêu tuân thủ quy định về môi trường. Các phát thải đó, để dễ định hình, sẽ được quy định thành tín chỉ carbon. Và thị trường để các doanh nghiệp tìm đến nhau mua/bán khí phát thải được gọi là thị trường tín chỉ carbon.

Hai loại thị trường carbon chính: thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện

Sau Nghị định thư Kyoto, thị trường carbon đã phát triển mạnh tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á. Có hai loại thị trường chính là:

- Thị trường carbon bắt buộc: thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế phát triển bền vững (SDM) hoặc đồng thực hiện (JI).

- Thị trường carbon tự nguyện: là thị trường cho phép các cơ sở phát thải bù trừ (offset) lượng phát thải không thể tránh khỏi của mình bằng cách mua tín chỉ carbon được tạo ra từ các dự án giảm phát thải nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính trên cơ sở tự nguyện. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân carbon.

Trong khi một số thị trường carbon bắt buộc cho phép sự tham gia với một tỷ lệ nhất định các tín chỉ từ các cơ chế tín chỉ carbon hợp lệ theo quy định thì thị trường carbon tự nguyện có thể sử dụng để giao dịch tín chỉ của tất cả các cơ chế tín chỉ carbon hiện nay, tùy thuộc vào yêu cầu giảm phát thải của người mua.

Thị trường tín chỉ carbon: Những điều có thể bạn chưa biết

Các thị trường carbon lớn trên thế giới

Thị trường thương mại phát thải quốc tế đầu tiên là của Liên minh châu Âu, vận hành từ năm 2005. Đây là công cụ chính sách quan trọng bậc nhất của Liên minh châu Âu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và sau này là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thị trường này chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn châu Âu và khoảng 3/4 thị trường phát thải carbon toàn cầu.

Trung Quốc bắt đầu đề cập xây dựng thị trường carbon trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015 và sau đó đã tiến hành thí điểm diện rộng tại các khu vực, thành phố với các mức độ kinh tế đa dạng khác nhau. Ngày 16/7/2021, thị trường giao dịch trao đổi carbon Trung Quốc đã chính thức vận hành nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon năm 2060.

Việt Nam đang tiến tới triển khai thị trường tín chỉ carbon - miếng bánh ngon hàng trăm tỷ USD liệu sẽ thuộc về ai? câu chuyện vẫn còn tiếp.

Giao dịch 250 tỷ USD/năm, Việt Nam làm gì để tham gia thị trường tín chỉ carbon?

Có ‘kho vàng’ 40 triệu tấn, đừng sợ bán ‘lúa non’

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thi-truong-tin-chi-carbon-dang-nong-dan-len-nhung-dieu-co-the-ban-chua-biet-186247.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thị trường tín chỉ carbon đang nóng dần lên: Những điều có thể bạn chưa biết
    POWERED BY ONECMS & INTECH