Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Các thành viên tham gia thị trường cần thêm thời gian để thích ứng

07-12-2022 10:10|Đức Quân

VNDirect cho rằng, cần thêm thời gian để các thành viên tham gia thị trường (nhà phát hành, tổ chức bảo lãnh/tư vấn và nhà đầu tư) thích ứng với các quy định mới.

CTCP Chứng khoán VNDirect cách đây ít ngày đã công bố Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023 với chủ đề "Đầu tư có trách nhiệm - Xây tương lai bền vững" dài 200 trang. Một trong số nội dung được đề cập là bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp với cả câu chuyện cũ và vấn đề mới...

Mở đầu, VNDirect đánh giá, dù quy định chặt chẽ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam bùng nổ trong giai đoạn 2020 - 2021 song những rủi ro đầu tư và pháp lý đã bộc lộ qua một số sai phạm xảy ra đầu năm 2022.

Chính vì các vấn đề tồn đọng, sự xuất hiện của Nghị định 65 (có hiệu lực từ ngày 16/9/2022) đã đặt ra các điều kiện và yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Theo đó, tổ chức phát hành được phép cơ cấu lại nợ song vẫn phải đảm đúng mục đích sử dụng theo phương án phát hành. Xếp hạng tín nhiệm được yêu cầu bắt buộc trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn tổng giá trị trái phiếu vượt quá một ngưỡng hoặc tỷ lệ trái phiếu/vốn chủ sở hữu vượt quá một tỷ lệ nhất định.

Ngoài ra, quy định mới cũng nâng cao những tiêu chí công nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp khi thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư đã bị thiệt hại do thực hiện các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro cao và không có đánh giá cẩn thận.

Vì vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên trầm lắng trong phần lớn thời gian của năm 2022 với giá trị phát hành giảm khoảng 50% so với cùng kỳ trong 10 tháng.

Nhiều doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu, giảm áp lực đáo hạn 

Với sự bùng nổ phát hành trái phiếu trong giai đoạn 2019 – 2021, VND ước tính tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn năm 2023 vào khoảng 300.000 tỷ đồng - tăng 90% so với cùng kỳ trong đó bất động sản và tài chính - ngân hàng lần lượt chiếm 30% và 40% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn.

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí tài chính gia tăng và thắt chặt phát hành trái phiếu, một số tổ chức phát hành có ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhằm tái cơ cấu tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Rủi ro về khả năng thanh toán tập trung ở một số lĩnh vực có tỷ lệ đòn bẩy cao và hay biến động theo chu kỳ như lĩnh vực bất động sản.

Theo ước tính của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn năm 2023 là 130.000 tỷ đồng - tương đương hơn 9% dư nợ tín dụng ngân hàng tăng thêm trong năm 2022. Đỉnh điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ rơi vào quý 2 - 3/2023.

Trong điều kiện thị trường vận hành bình thường, doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trái phiếu sẽ phát hành trái phiếu mới để đảo nợ, làm cho dòng vốn luân chuyển nhịp nhàng. Tuy nhiên, dòng chảy vốn thị trường trái phiếu đang bị đứt gãy, nên khả năng đảo nợ trái phiếu là rất khó, dù Nghị định 65 đã chính thức cho phép doanh nghiệp đảo nợ.

Bên cạnh đó, Nghị định 65 siết chặt điều kiện của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, khiến người mua trên thị trường trái phiếu riêng lẻ bị co hẹp nên doanh nghiệp bất động sản cũng khó khăn hơn khi đảo nợ trái phiếu.

Sau những biến cố, niềm tin của nhà đầu tư cá nhân vào trái phiếu doanh nghiệp đã suy giảm xuống mức thấp đến mức nhiều người đã vội vàng bán trái phiếu của bất kỳ tổ chức phát hành nào bằng mọi giá để thu tiền về tiền mặt. Hiện một số trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch với mức 4 - 5% thấp hơn mệnh giá - với mức lợi suất khoảng 10% - 12%/năm đồng nghĩa với việc người bán sẵn sàng chấp nhận với mức chiết khấu 14 - 17%.

Tuy vậy, động thái mới đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị mua lại vào khoảng 152.000 tỷ đồng sau 10 tháng năm 2022 qua đó phần nào giảm bớt áp lực đáo hạn và tâm lý tiêu cực của thị trường.

Giải pháp gỡ khó cấp thiết hơn bao giờ hết

VNDirect cho rằng, cần thêm thời gian để các thành viên tham gia thị trường (nhà phát hành, tổ chức bảo lãnh/tư vấn và nhà đầu tư) thích ứng với các quy định mới.

Trong bối cảnh chi phí tài chính gia tăng, lực cầu nội địa yếu đi, thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp đang có xu hướng hoãn hoặc hủy kế hoạch mở rộng kinh doanh, dẫn đến giảm nhu cầu vốn. Vì vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tương đối im lìm trong nửa đầu năm 2023.

Khối lượng phát hành sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 từ mức nền thấp của 2022 nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn.

Hiện tại, quy mô trái phiếu doanh nghiệp trên GDP của Việt Nam là 15% và 13% đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ - các mức còn tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Chính phủ đang đặt mục tiêu quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đưa ra một số biện pháp để tháo gỡ thế khó của trái phiếu doanh nghiệp bao gồm: Đẩy nhanh quy trình pháp lý để doanh nghiệp có quyền sử dụng đất; đề nghị NHNN giảm chi phí đi vay cho các công ty và tham gia tái cơ cấu các nghĩa vụ trả nợ; cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, đảm bảo các tổ chức phát hành cung cấp thông tin chính xác và đảm bảo thanh toán trái phiếu đúng hạn.

'Cỗ máy in tiền' của nước Mỹ tạo ra 2 triệu USD mỗi phút

HAG tất toán lô trái phiếu 300 tỷ đồng, ‘bầu’ Đức giữ lời hứa biến HAGL thành công ty đầu tiên trên sàn chứng khoán không có nợ?

Chuyên gia hiến kế khắc phục khó khăn về trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-cac-thanh-vien-tham-gia-thi-truong-can-them-thoi-gian-de-thich-ung-161346.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Các thành viên tham gia thị trường cần thêm thời gian để thích ứng
POWERED BY ONECMS & INTECH