Thị xã 120 năm tuổi từng là quận, dự kiến lên thành phố trước năm 2030
Giai đoạn đến năm 2030, thị xã này phấn đấu xây dựng cơ sở hạ tầng đạt tiêu chí đô thị loại III, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và phấn đấu đạt khoảng 75% tiêu chí đô thị loại II.
Theo sách Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ của tác giả Nguyễn Đình Tư (NXB Chính trị Quốc gia, 2008), Trảng Bàng đã được ghi nhận là một quận thuộc tỉnh Tây Ninh từ năm 1903. Điều này đồng nghĩa với việc cái tên Trảng Bàng đã hiện diện trên bản đồ hành chính Tây Ninh hơn 120 năm.
Sau năm 1975, Trảng Bàng trở thành một huyện của tỉnh Tây Ninh và đến năm 2020, chính thức được nâng cấp thành thị xã với 6 phường và 4 xã trực thuộc.
Theo báo Tây Ninh, đại diện Phòng Quản lý đô thị thị xã Trảng Bàng cho biết, địa phương định hướng phát triển trở thành một đô thị sinh thái kết hợp kinh tế với tiềm năng công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, Trảng Bàng đóng vai trò là cực tăng trưởng lớn của tỉnh, đầu mối giao thông quan trọng và trung tâm của tiểu vùng 4 khu vực biên giới Tây Nam.
Trong những năm qua, thị xã Trảng Bàng đã nỗ lực xây dựng đô thị hiện đại, bền vững, tập trung vào các mục tiêu lớn về phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị. Theo kế hoạch, đến năm 2030, Trảng Bàng sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng đạt tiêu chí đô thị loại III, tiến tới thành lập thành phố Trảng Bàng và đạt khoảng 75% tiêu chí đô thị loại II. Đến năm 2035, thị xã đặt mục tiêu phát triển theo các tiêu chí đô thị loại II, tạo nền tảng cho sự bứt phá mạnh mẽ về chất lượng sống và quy hoạch đô thị.
Với vị trí giáp ranh TP. HCM và thuận lợi trong việc kết nối giao thương với Campuchia, Trảng Bàng đã có bước phát triển đáng kể trong công nghiệp và hạ tầng giao thông. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp lớn như Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu chế xuất và Khu công nghiệp Linh Trung III, và Khu công nghiệp Thành Thành Công.
Về hạ tầng giao thông, dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, một dự án trọng điểm quốc gia, sẽ đi qua thị xã Trảng Bàng với đoạn dài 11,3km. Đây là công trình mang tính cấp thiết và đặc biệt quan trọng, không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 22 mà còn giúp giảm chi phí và thời gian di chuyển trên tuyến hành lang vận tải TP. HCM - Tây Ninh. Khi hoàn thành, dự án hứa hẹn sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội mới, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và góp phần quan trọng vào việc củng cố quốc phòng - an ninh trong khu vực.
Cây cầu vượt sông thứ 4 kết nối 2 tỉnh Bình Dương - Tây Ninh chuẩn bị hợp long
Biệt thự 70 tỷ của ‘phú bà miền Tây’ tại Tây Ninh: Quy mô 2.200m2, nằm ở vị trí ‘long mạch’