Thị xã có cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam sẽ trở thành thành phố cảng biển vươn tầm quốc tế
Địa phương định hướng phát triển mạnh mẽ kinh tế biển với các khu công nghiệp quy mô lớn, khu thương mại tự do và tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.
Tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) (15/8/1994-15/8/2024), đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và chương trình nghệ thuật “Kiến tạo và kết nối”, lãnh đạo thị xã Phú Mỹ đã khẳng định lợi thế phát triển kinh tế của địa phương cũng như định hướng tương lai cho quá trình phát triển kinh tế của địa phương.
Huyện Tân Thành nay là thị xã Phú Mỹ thành lập vào năm 1994 và được định hướng xây dựng thành đô thị phát triển toàn diện, trong đó tập trung phát triển công nghiệp và cảng biển.
Thực tế, thị xã Phú Mỹ hiện nay có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi phục vụ cho mục tiêu phát triển này. Thị xã nằm trên trục Quốc lộ 51 nối từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến TP. HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, cách TP. HCM khoảng 40km, do vậy địa phương có vai trò quan trọng trong kết nối tỉnh với các địa phương khác. Bên cạnh đó, thị xã Phú Mỹ còn có đường biển nằm trên trục giao thông quốc tế nối liền các nước trong khu vực Đông Nam Á và các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Mỹ, châu Âu.
Trên địa bàn thị xã có sông Thị Vải với vùng nước mặt khá rộng, khoảng cách giữa các bờ sông có nơi hơn 1.000m, chiều sâu trung bình mực nước thấp nhất của mỗi đoạn sông từ 14-20m, nhiều khúc sông sâu từ 20-40m, hình thành lên cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Bí thư Thị ủy Phú Mỹ - ông Nguyễn Văn Việt cho biết, huyện Tân Thành nay là thị xã Phú Mỹ tận dụng thành công ưu thế vượt trội để bứt phá trong thu hút đầu tư phát triển cảng biển và khu công nghiệp. Cụ thể, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới với lượng hàng container chiếm gần 35% cả nước và 50% khu vực phía Nam. Năm 2024, lần đầu tiên cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải vào top 30 cảng có sản lượng container lớn nhất thế giới.
Địa bàn thị xã có 9 khu công nghiệp tập trung, chiếm hơn 60% khu công nghiệp toàn tỉnh. Hạ tầng giao thông kết nối ngày càng khang trang, hiện đại và hoàn thiện.
Địa phương có tỷ trọng công nghiệp chiếm 80,43%, thương mại dịch vụ 18,57% và nông, lâm thủy sản chỉ chiếm 1%. Phú Mỹ là địa bàn thu hút lớn nguồn vốn đầu tư FDI và lực lượng lao động chuyên môn cao đến sinh sống và làm việc.
Trong giai đoạn phát triển mới, thị xã Phú Mỹ sẽ tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát huy lợi thế phát triển công nghiệp khí - điện - đạm, dịch vụ cảng biển và ưu thế của hệ thống kết cấu hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thị xã huy động nguồn lực đầu tư để đưa nơi đây trở thành thành phố vào năm 2025, trong đó xây dựng Trung tâm hành chính - chính trị mới gắn với phát triển khu Trung tâm đô thị Phú Mỹ.
Về định hướng phát triển Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, theo quy hoạch, trong tương lai không xa, Phú Mỹ sẽ trở thành thành phố cảng biển tầm cỡ khu vực và thế giới với các khu công nghiệp quy mô lớn, khu thương mại tự do, đô thị dịch vụ hiện đại, văn minh, từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.
Để thực hiện được mục tiêu này, lãnh đạo địa phương đề nghị Đảng bộ, chính quyền, dân và quân thị xã Phú Mỹ quan tâm thúc đẩy kinh tế hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch tỉnh, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực, thế giới gắn với phát triển dịch vụ, hậu cần cảng biển, dịch vụ hàng hải, phát triển trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế theo mô hình “Cảng xanh”, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Song song với quá trình này, thị xã Phú Mỹ sẽ phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp thân thiện môi trường, đưa Phú Mỹ trở thành cực phát triển quan trọng trong chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á, góp phần từng bước đưa Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia...
Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích 1.987km2, là tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ.
Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phú Mỹ cần trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025 và là thành phố thứ 3 của tỉnh (sau TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu) giữ vai trò trung tâm công nghiệp, cảng biển quốc tế, dịch vụ, du lịch. Việc thành lập thành phố Phú Mỹ là cần thiết và phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển của Trung ương và của tỉnh.
>> Tuyến đường dài hơn 200km nối thông 5 tỉnh thành giàu có sắp được hình thành
Đồng Nai: 2 lần trễ hẹn tiến độ bàn giao mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Cận cảnh cầu 4.900 tỷ đồng nối Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai sau 1 năm thi công