Hạ tầng - Chính sách

Tuyến đường dài hơn 200km nối thông 5 tỉnh thành giàu có sắp được hình thành

Chi Chi 13/08/2024 22:00

Tuyến đường đi qua các địa phương là TP. HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến sẽ được chi 128.000 tỷ để triển khai.

Ngày 12/8, UBND TP. HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất áp dụng cơ chế và chính sách đặc thù cho toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 TP. HCM, đi qua địa phận của 5 tỉnh, thành phố gồm TP. HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuyến đường Vành đai 4 TP. HCM có tổng chiều dài gần 207km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Long An dài hơn 78km, qua Bình Dương dài 47,5km, qua Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,1km, và qua TP. HCM dài 17,3km. Dự án có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 128.000 tỷ đồng, bao gồm gần 77.000 tỷ đồng chi phí xây dựng và hơn 51.000 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng.

Sơ đồ hướng tuyến Vành đai 4 TP. HCM. Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP. HCM

Sơ đồ hướng tuyến Vành đai 4 TP. HCM. Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP. HCM

Trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng bốn làn xe, với làn dừng xe khẩn cấp liên tục và dải phân cách giữa hai chiều xe chạy. Việc giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện một lần theo quy hoạch 8 làn xe để thuận lợi cho việc mở rộng sau này.

Hiện tại, 5 địa phương liên quan đã cơ bản hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và dự kiến trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong quý IV/2024. Riêng đoạn qua tỉnh Bình Dương, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư và đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho các dự án thành phần.

>> Tuyến đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội sẽ đi qua 'thủ phủ' công nghiệp miền Bắc

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến đường Vành đai 4 TP. HCM, các địa phương liên quan đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, thống nhất đề xuất một số cơ chế và chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ dự án. UBND cấp tỉnh sẽ là cơ quan chủ quản, có thể sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư dự án. Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 50% tổng mức vốn cho 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong khi tỉnh Long An đề xuất được hỗ trợ 75% vốn. TP. HCM sẽ tự cân đối nguồn vốn của mình.

Phối cảnh Vành đai 4 TP. HCM với 8 làn. Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP. HCM

Phối cảnh Vành đai 4 TP. HCM với 8 làn. Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP. HCM

Bộ Giao thông vận tải cho phép tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư. Đồng thời, Bộ cũng cho phép giá trị tổng mức đầu tư của các dự án Vành đai 4 TP. HCM tại mỗi địa phương được chuyển tiếp vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 mà không tính vào tổng mức đầu tư của các chương trình và dự án phải thực hiện trong giai đoạn này.

Riêng với đoạn Vành đai 4 TP. HCM qua tỉnh Long An, Quốc hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Theo số liệu khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê, trong 6 vùng của cả nước, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân cao nhất với 6,52 triệu đồng/người/tháng.

Trong đó, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân một người/tháng cao nhất vùng với 8,29 triệu đồng. Tỉnh Đồng Nai có thu nhập bình quân một người/tháng là 6,57 triệu đồng và TP. HCM có thu nhập bình quân một người/tháng là 6,51 triệu đồng.

>> TP. HCM sẽ có nút giao 600 tỷ, 'án ngữ' trên tuyến vành đai hơn 75.000 tỷ lớn nhất phía Nam

TP. HCM sẽ có nút giao 600 tỷ, 'án ngữ' trên tuyến vành đai hơn 75.000 tỷ lớn nhất phía Nam

Nút giao phức tạp nhất Vành đai 3 TP. HCM nối thông 3 tỉnh thành giàu nhất Việt Nam dự kiến hoàn thành vào năm 2026

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/tuyen-duong-dai-hon-200km-noi-thong-5-tinh-thanh-giau-nhat-ca-nuoc-sap-duoc-hinh-thanh-d130319.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tuyến đường dài hơn 200km nối thông 5 tỉnh thành giàu có sắp được hình thành
POWERED BY ONECMS & INTECH