Thiên tài tiên phong về vật liệu siêu dẫn rời Mỹ, chọn Trung Quốc: ‘Mở khóa’ bí mật khiến giới khoa học đau đầu hơn 100 năm ở tuổi 22, được hưởng thẻ xanh suốt đời nhưng kiên quyết từ chối
Bộc lộ trí tuệ vượt trội từ khi còn nhỏ, chàng trai trẻ tuổi này đã gây chấn động giới khoa học với nghiên cứu về tính siêu dẫn của graphene – vật liệu hứa hẹn thay đổi ngành năng lượng toàn cầu.
Chàng trai sinh năm 1996 người Trung Quốc - Cao Yuan - đã khiến cả thế giới kinh ngạc với những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học, đặc biệt là nghiên cứu về graphene.
Không chỉ xuất bản nhiều bài báo khoa học có giá trị, anh còn có đóng góp to lớn trong lĩnh vực graphene, vật liệu quan trọng để sản xuất pin và nguồn năng lượng mới.
Nhờ vào tài năng vượt trội, Cao Yuan trở thành "mục tiêu" của nhiều quốc gia. Khi các nhà khoa học Mỹ ngỏ lời mời anh ở lại và sẵn sàng cấp thẻ xanh, anh đáp lại: "Thẻ xanh Mỹ là gì? Tôi là người Trung Quốc. Tôi muốn trở về quê hương".
Cuộc đời thiên tài của Cao Yuan
Cao Yuan sinh ra tại Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) nhưng lớn lên ở Thâm Quyến từ khi lên 3 tuổi. Ngay từ nhỏ, anh đã bộc lộ khả năng vượt trội. Trong khi các bạn cùng trang lứa mải mê với việc chơi đồ chơi, cậu bé Cao Yuan lại tháo tung chúng ra để hiểu rõ nguyên lý hoạt động.
Đến bậc tiểu học, những món đồ chơi dường như đã không còn thách thức đối với Cao Yuan. Cậu bắt đầu tháo lắp những thiết bị điện tử trong nhà, từ điều khiển từ xa đến tivi.
Để con trai không nghịch đồ đạc trong nhà, mẹ đã đưa cậu đến chợ điện tử, nơi Cao Yuan có thể mua các linh kiện với giá rẻ để thỏa sức nghiên cứu. Ở trường học, cậu nắm bắt rất nhanh và đã bắt đầu bước vào trường cấp 3 khi mới 13 tuổi.
Đến năm 2007, Cao Yuan được nhận vào trường Thực nghiệm Yew Wah Thâm Quyến và từng khiến các giáo viên nhiều lần ngỡ ngàng trước loạt câu hỏi của mình.
Chỉ trong 6 năm, Cao Yuan hoàn thành cả bậc trung học lẫn phổ thông, thi đỗ đại học với số điểm ấn tượng 669/750, và ghi danh vào Lớp Tài năng Vật lý tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
Tài năng được săn đón toàn cầu
Trong thời gian học đại học, Cao Yuan đã liên tục giành được nhiều giải thưởng danh giá và được các trường đại học hàng đầu như Michigan (Mỹ) và Oxford (Anh) trao học bổng.
Đáng chú ý, Cao Yuan không ngừng đam mê nghiên cứu tính siêu dẫn của graphene – một nghiên cứu mới mẻ có tiềm năng thay đổi thế giới.
Năm 1911, nhà vật lý người Hà Lan Heike Kamerlingh Onnes đã phát hiện ra hiện tượng "siêu dẫn" – trạng thái không có điện trở khi vật liệu được làm lạnh gần 0K (-273 độ C), giúp giảm thiểu mất mát năng lượng. Dù vậy, chi phí để duy trì môi trường này lại vô cùng tốn kém.
Các nhà khoa học trên khắp thế giới đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm loại vật liệu "siêu dẫn giá rẻ", và graphene được xem như một bước tiến lớn.
Năm 1980, oxit đồng được phát hiện, vật liệu này có thể đạt đến nhiệt độ cao nhất ở trạng thái siêu dẫn - rơi vào khoảng 133K (-140 độ C). Tuy nhiên, cấu trúc phức tạp của oxit đồng khiến cơ chế siêu dẫn khó có thể thực hiện được.
Nhà đoạt giải Nobel Robert B. Laughlin bình luận: “Các nhà vật lý giống như đi lang thang trong bóng tối khi nghiên cứu về hiện tượng siêu dẫn trong 30 năm, cố gắng mở khóa bí mật của hiện tượng siêu dẫn đồng oxit”.
Và giờ đây, chàng trai Trung Quốc tên Cao Yuan đã trở thành người thắp lên ngọn hải đăng, chiếu sáng con đường đầy chông gai này.
Năm 2017, khi đang theo học tiến sĩ, Cao Yuan đã phát hiện ra tính siêu dẫn của graphene. Mặc dù khám phá của anh ban đầu bị giới khoa học bác bỏ vì anh còn quá trẻ, nhưng Cao Yuan không nản lòng. Anh dành cả ngày lẫn đêm trong phòng thí nghiệm để tiếp tục nghiên cứu.
Một năm sau, bài báo của Cao Yuan về hiện tượng siêu dẫn của graphene đã gây chấn động giới khoa học khi được công bố. Khi ấy, anh mới chỉ 22 tuổi, và phát hiện này đã giúp giải quyết bài toán hóc búa mà giới khoa học đã theo đuổi suốt hơn một thế kỷ.
Quyết định trở về cống hiến cho quê hương
Phát hiện đột phá của Cao Yuan đã làm rung chuyển cả cộng đồng khoa học lúc bấy giờ, biến tên tuổi của anh trở thành tâm điểm. Trong vòng 9 tháng sau khi bài báo được công bố, graphene đã nhanh chóng được ứng dụng trong các dự án thương mại đầu tiên. Cao Yuan cũng được trao tặng nhiều giải thưởng danh dự.
Trước tài năng xuất chúng này, phòng thí nghiệm tại Mỹ đã đề nghị Cao Yuan nhập quốc tịch và cấp thẻ xanh trọn đời để giữ chân anh. Tuy nhiên, Cao Yuan đã từ chối cơ hội này và kiên định với lựa chọn trở về quê hương.
Anh luôn xem Trung Quốc là nơi để cống hiến và phát triển sự nghiệp khoa học.
Sau khi tốt nghiệp, chàng trai 28 tuổi quay trở về Trung Quốc, ghé thăm trường cũ và gia nhập Phòng thí nghiệm Quốc gia để tiếp tục hành trình nghiên cứu, mở ra những tiềm năng mới cho ngành khoa học nước nhà.
Tổng hợp
>> Giáo sư Toán học nổi tiếng từ chối Đại học top 1 Trung Quốc để ở lại Mỹ làm bồi bàn