Giáo sư Toán học nổi tiếng từ chối Đại học top 1 Trung Quốc để ở lại Mỹ làm bồi bàn
Từng gây tranh cãi vì từ chối về nước và làm bồi bàn 7 năm ở Mỹ, ở tuổi 69, Trương Ích Đường hiện là Viện trưởng Viện Toán học Phan Thừa Động, Đại học Sơn Đông.
Trương Ích Đường, một trong những nhà toán học nổi tiếng thế giới, đã trải qua một cuộc đời đầy gian truân, từ việc đối mặt với khó khăn ở nước ngoài cho đến những thành tựu xuất sắc trong ngành toán học ở tuổi xế chiều.
Cuộc đời ông là minh chứng cho sự kiên trì không ngừng trong việc theo đuổi đam mê, bất chấp mọi khó khăn và tranh cãi xung quanh quyết định cá nhân của mình.
Thiên tài toán học từ thuở nhỏ
Sinh ra vào năm 1955 trong một gia đình trí thức ở Thượng Hải, Trung Quốc, Trương Ích Đường sớm bộc lộ tài năng toán học thiên bẩm. Ông nhớ được Thủ đô của 100 quốc gia từ khi lên 4 tuổi và đã tự mình chứng minh được Định lý Pythagore vào năm lên 9. Đặc biệt, năm 12 tuổi, ông đã tiếp cận với giải tích, môn học mà người bình thường phải lên tới cấp bậc Đại học mới học tới.
Với tài năng vượt trội, ông nhanh chóng trở thành học sinh của Trường Trung học Thanh Hoa, một ngôi trường danh tiếng trực thuộc Đại học Thanh Hoa. Tuy nhiên, cuộc vận động 'lên núi về làng' năm 1968 (thanh niên tri thức thành phố về quê hòa mình với cuộc sống nông thôn) đã buộc ông phải tạm ngừng việc học khi mới hoàn thành cấp 2.
Sau khi Trung Quốc khôi phục kỳ thi tuyển sinh Đại học vào năm 1977, Trương Ích Đường đã tự học và nhanh chóng đạt được thành tích cao trong kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 1978. Ông đã đỗ vào khoa Toán của Đại học Bắc Kinh, nơi ông được Giáo sư Phan Thừa Động hướng dẫn và nhận sự đánh giá cao từ nhiều Giáo sư nổi tiếng khác.
Quyết định ở lại Mỹ và những năm tháng làm bồi bàn
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng Thạc sĩ từ Đại học Bắc Kinh, Trương Ích Đường có cơ hội du học tại Đại học Purdue ở Mỹ nhờ sự giới thiệu của nhà toán học Mạc Tôn Kiển. Tại đây, ông chọn nghiên cứu "Phỏng đoán Jacobi" làm đề tài luận án Tiến sĩ, nhưng những bất đồng học thuật với Giáo sư Mạc Tôn Kiển đã khiến ông gặp khó khăn trong việc bảo vệ luận án và tìm kiếm việc làm.
Mặc dù Đại học Bắc Kinh đã mời ông về làm Giáo sư, nhưng Trương Ích Đường kiên quyết ở lại Mỹ, nơi ông phải làm nhiều công việc tay chân như bồi bàn, rửa bát và chuyển phát nhanh suốt 7 năm để kiếm tiền hoàn thành chương trình Tiến sĩ. Dù cuộc sống vất vả, ông vẫn không từ bỏ đam mê toán học, tiếp tục nghiên cứu và khẳng định rằng mình đang đi đúng con đường.
Thành công đến muộn màng
Cuối cùng, vào năm 1992, Trương Ích Đường bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở tuổi 37. Sau đó, ông vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc giảng dạy. Mãi đến năm 1999, nhờ sự giới thiệu của bạn bè, ông mới nhận được lời mời làm giảng viên thỉnh giảng tại Đại học New Hampshire, nơi ông bắt đầu khẳng định tài năng giảng dạy của mình.
Bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Trương Ích Đường đến khi ông tập trung vào nghiên cứu "Phỏng đoán số nguyên tố kép". Sau 5 năm nghiên cứu miệt mài, năm 2013, ông đã thành công chứng minh sự tồn tại của vô số cặp số nguyên tố có khoảng cách nhỏ hơn 70 triệu, tạo tiếng vang lớn trong giới học thuật. Ở tuổi 58, ông trở thành một nhà toán học được công nhận trên toàn thế giới.
Vinh quang và sự cống hiến cho quê hương
Thành công liên tục đến với Trương Ích Đường sau khi công trình của ông được công nhận. Ông trở thành Giáo sư chính thức tại Đại học California (Santa Barbara), nhận nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng Shaw và Giải Sao mai. Năm 2018, ở đỉnh cao sự nghiệp, Trương Ích Đường quyết định trở về Trung Quốc để cống hiến cho quê hương.
Hiện tại, ông giữ vị trí Viện trưởng Viện Toán học Phan Thừa Động của Đại học Sơn Đông. Ở tuổi 69, ông tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ, đặt ra mục tiêu đưa nền toán học Trung Quốc vươn tầm thế giới.
Theo Sohu