'Thoát đáy', thị trường bất động sản TP. HCM dần hồi phục
Dù tốc độ tăng trưởng còn chậm nhưng thị trường bất động sản tại TP. HCM hiện có nhiều dấu hiệu phục hồi trở lại.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã gửi báo cáo đến Thường trực UBND TP. HCM và Sở Xây dựng TP. HCM về thị trường bất động sản (BĐS) tại thành phố trong 11 tháng của năm 2024.
Theo đó, "vùng đáy" của thị trường trong giai đoạn 2020-2024 rơi vào quý I/2023 tăng trưởng thấp ở mức -16,2%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường BĐS đạt -6,38% và chỉ đến quý I/2024, tốc độ tăng trưởng của thị trường BĐS mới giảm đà tăng trưởng âm khi ở mức -0,5%.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường BĐS đã có xu hướng tăng trưởng dương trở lại khi ở mức 2,94%. 9 tháng đầu năm 2024, thị trường BĐS tiếp tục đà tăng trưởng dương khi ở mức 6,7%, thể hiện qua doanh thu kinh doanh BĐS 9 tháng đầu năm 2024, đạt mức 199.155 tỷ đồng chiếm 60,3% tổng doanh thu "dịch vụ khác".
>> Vinaconex muốn bán lượng lớn cổ phần tại công ty cung cấp bê tông cho sân bay lớn nhất Việt Nam
Theo ước tính của HoREA, thị trường BĐS có thể tăng trưởng dương khoảng 9% trong 11 tháng đầu năm 2024.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho rằng nguyên nhân khiến thị trường BĐS phục hồi trở lại là do nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, trong đó điển hình là chính sách hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã góp phần giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ "hạ cánh mềm", tạo cơ chế thỏa thuận và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đối với nhà đầu tư.
Song song với đó, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn, hoãn và cơ cấu lại nợ tín dụng, cùng Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngừng thực hiện một số quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, đã hỗ trợ hiệu quả cho sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Trong giai đoạn 2023-2024, Quốc hội đã thông qua loạt luật mới quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Các tổ chức tín dụng, và Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn. Đồng thời, các luật như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cũng được sửa đổi.
Ngoài ra, Nghị quyết 171/2024/QH15 cũng đã thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua cơ chế thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc quyền đang có, cùng các Nghị quyết đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đất đai tại TP.HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý thị trường bất động sản và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Chính phủ và các địa phương đã thành lập nhiều Ban Chỉ đạo và Tổ công tác chuyên trách, như Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của UBND TP.HCM, để phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.
Các doanh nghiệp bất động sản cũng tích cực tái cấu trúc tổ chức, cơ cấu lại sản phẩm và đầu tư, sẵn sàng chờ cơ hội phục hồi.
Trong 10 tháng của năm 2024, Tổ Công tác 1435 của Thủ tướng đã chuyển đến TP. HCM 64 dự án để xem xét giải quyết. Đồng thời, Tổ Công tác chuyên đề của UBND TP. HCM đã tổ chức 10 cuộc họp, qua đó xử lý dứt điểm 8 dự án, còn 26 dự án tiếp tục được các sở, ngành và TP. Thủ Đức xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, vẫn còn hơn 100 dự án bất động sản cùng nhà ở thương mại trên địa bàn TP. HCM gặp "vướng mắc pháp lý" chưa được giải quyết, đòi hỏi nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bên liên quan để giúp "cởi trói".
Tỉnh giàu nhất Việt Nam sẽ làm tuyến đường ven sông hơn 2.100 tỷ
Khu đô thị nằm 'bất động' 20 năm trên trục đường đi sân bay Nội Bài được tháo gỡ vướng mắc