Thói quen tiếp xúc ánh sáng vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ tử vong đến 34%
Nghiên cứu mới đây đã được công bố trên Tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
Theo thông tin trên Flinders News, một nghiên cứu từ Đại học Flinders, Úc, cho thấy rằng những người tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm có nguy cơ tử vong cao hơn từ 21% đến 34%.
Nghiên cứu này đã được công bố vào ngày 31/10/2024 trên Tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. Cụ thể, nghiên đã phân tích hơn 13 triệu giờ dữ liệu thu thập từ các máy cảm biến ánh sáng mà 89.000 người đeo trên cổ tay.
Nghiên cứu cho thấy rằng những người tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm có nguy cơ tử vong cao hơn từ 21% đến 34%. (Ảnh minh họa)
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm kết hợp với ánh sáng yếu vào ban ngày có thể làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong. Ngược lại, tiếp xúc với ánh sáng mạnh vào ban ngày lại giúp giảm nguy cơ này từ 17% đến 34%.
Theo các nhà nghiên cứu, việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm làm suy yếu tín hiệu của cơ quan tạo nhịp sinh học trung tâm, dẫn đến sự gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể. Điều này có thể làm thay đổi chu kỳ thể chất, tinh thần và hành vi trong suốt 24 giờ.
Theo các nhà nghiên cứu, việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm làm suy yếu tín hiệu của cơ quan tạo nhịp sinh học trung tâm (Ảnh minh họa)
Giáo sư Sean Cain, chuyên gia về giấc ngủ và cũng là tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh rằng ánh sáng không đúng thời điểm có thể phá vỡ nhịp sinh học, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tiểu đường, béo phì, bệnh tim mạch và các rối loạn sức khỏe tâm thần, đồng thời làm tăng nguy cơ tử vong.
Các phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường tối vào ban đêm và tìm kiếm ánh sáng mạnh vào ban ngày để củng cố nhịp sinh học của cơ thể.