Thống nhất chủ trương dự án băng tải chuyển than từ Lào về Việt Nam
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 8.000 tỷ đồng, được chia thành ba giai đoạn, hoàn thành sau 2 năm.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ than lớn nhất khu vực APEC. Từ một quốc gia xuất khẩu than trong nhiều thập niên, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu ròng về than từ năm 2015. Sản lượng than nhập khẩu liên tục tăng cao để đáp ứng nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện than mới đi vào hoạt động trong những năm gần đây
Qua dự báo nhu cầu than của Việt Nam theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cho thấy nhu cầu than đến năm 2035 sẽ tăng cao, sau đó giảm dần và đến sau năm 2045 giảm hẳn, nhất là than cho sản xuất điện coi như gần bằng 0.
Tại Hội thảo Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn năm 2050 đã đặt ra vấn đề là làm sao đáp ứng được nhu cầu than trong thời gian tới một cách hợp lý nhất đồng thời giải bài toán “tồn tại” của doanh nghiệp ngành than Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề cung ứng than, mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thống nhất chủ trương, cho phép Công ty PTS Viễn Đông khảo sát, nghiên cứu dự án làm băng tải vận chuyển than từ Lào về Việt Nam qua tỉnh này.
Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 8.000 tỷ đồng, được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1 nhà đầu tư sẽ xây dựng tuyến băng tải dài 12 -15 km từ kho bãi trung chuyển bản Cô Tài đến kho bãi trung chuyển cửa khẩu Hồng Vân, huyện A Lưới, gần đường Hồ Chí Minh. Tổng diện tích đất sử dụng khoảng 30ha, gồm đường băng tải và bãi hạ tải kho vận.
Giai đoạn 2, nhà đầu tư xây dựng tuyến băng tải dài 25-30 km từ cửa khẩu Hồng Vân đến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, đi qua huyện A Lưới và huyện Phong Điền về bãi tập kết than tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Tổng diện tích đất sử dụng khoảng 40ha.
Giai đoạn 3, nhà đầu tư xây dựng tuyến băng tải dài 75-85 km từ mỏ than Kà Lừm, tỉnh Sekong đến cửa khẩu A Đớt, huyện A Lưới. Tổng diện tích đất sử dụng khoảng 70ha.
Về nhà đầu tư được phép khảo sát, Công ty cổ phần đầu tư PTS Viễn Đông có trụ sở chính đóng tại số 150 Quốc lộ 9, phường 1, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Được biết, thời gian qua, Công ty cổ phần đầu tư PTS Viễn Đông là nhà thầu vận chuyển than cho Tập đoàn Phonesack Group từ mỏ than Kà Lừm (tỉnh Sekong, Lào) về các cảng Chân Mây, Thuận An (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và cảng Cửa Việt qua cửa khẩu quốc tế La Lay (tỉnh Quảng Trị).
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, than đá đang được Công ty PTS Viễn Đông vận chuyển bằng đường bộ qua cửa khẩu La Lay, theo đường Hồ Chí Minh qua quốc lộ 49A về cảng Chân Mây và Thuận An. Tuyến đường này dài hơn 150km qua đồi núi, nhiều khúc cua nguy hiểm, từng xảy ra một số vụ tai nạn với xe chở than.
Để giảm thiểu rủi ro khi chạy trên cung đường hiểm trở, tăng sản lượng chở than, Công ty PTS Viễn Đông đã đề nghị với tỉnh Thừa Thiên - Huế được khảo sát, lập dự toán đầu tư xây dựng hệ thống vận chuyển than đá xuyên biên giới qua cửa khẩu Cô Tài của tỉnh Salavan, Lào với cửa khẩu Hồng Vân, huyện A Lưới bằng đường ống áp suất và băng tải.
Trong văn bản, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đề nghị Công ty PTS Viễn Đông nghiên cứu thêm tuyến đường ống từ cửa khẩu A Đớt về huyện Nam Đông theo đường tỉnh 74 trong giai đoạn 3.
Nhìn chung, trong vòng 10 năm tới than đá vẫn là nguồn nguyên liệu sơ cấp đặc biệt quan trọng đối với ngành năng lượng Việt Nam.
Mẫu xe điện hai đại gia Việt vừa mua bị xướng tên triệu hồi lần 6 vì dễ chết máy
Hai đại gia Việt chịu chơi mua bán tải điện Tesla Cybertruck, giá trên 5 tỷ đồng