Thông tin kinh tế tài chính đầu phiên 17/11: Lạm phát tháng 10 tại Anh tiếp tục phá đỉnh; tỷ giá USD tiếp tục giảm; Chứng khoán Mỹ lao dốc sau cảnh báo từ Target; giá dầu - giá vàng giảm trở lại.
Chứng khoán Mỹ lao dốc sau cảnh báo từ Target
Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Tư (16/11) khi nhà đầu tư cân nhắc cảnh báo quý 4 từ Target.
Kết phiên, S&P 500 giảm 0,83% xuống 3.958,79 điểm; Nasdaq mất 1,54% còn 11.183,66 điểm; Dow Jones giảm 39,09 điểm xuống 33.553,83 điểm.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi Target báo cáo doanh số bán hàng giảm do các hộ gia đình phải đối phó với lạm phát cao khi bước vào mùa mua sắm lớn nhất trong năm của các nhà bán lẻ. Lời cảnh báo đã gây áp lực lên nhóm cổ phiếu ngành này, cổ phiếu Target lao dốc hơn 13% cho phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 5/2022. Các cổ phiếu Macy’s, Nordstrom, Kohl’s và Gap cũng giảm mạnh.
Lạm phát tháng 10 tại Anh tiếp tục phá đỉnh
Số liệu công bố mới nhất vừa cho biết lạm phát tháng 10/2022 tại Anh đã tăng lên 11,1% - mức cao nhất trong vòng 41 năm và vượt xa các dự báo trước đó của giới phân tích.
Trước đó, các nhà kinh tế được Reuters khảo sát dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của nước này sẽ tăng 10,7% so với một năm trước đó. Trước đó, lạm phát tháng 9 ghi nhận ở mức 10,1% - mức cao nhất trong vòng 40 năm.
Nguyên nhân khiến lạm phát tháng 10 tiếp tục tăng mạnh là giá lương thực, vận tải và năng lượng tiếp tục tạo sức ép lên các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Chi phí dành cho nhà ở và các dịch vụ hộ gia đình (bao gồm chi phí nhiên liệu) ghi nhận mức tăng chưa từng có với 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng so với mức 9,3% trong tháng 9.
Tỷ giá USD tiếp tục hạ nhiệt
Đầu phiên giao dịch ngày 17/11 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tiếp tục giảm 0,14%, xuống mốc 106,26.
Đồng USD giảm nhẹ khi dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ tăng so với kỳ vọng của các nhà đầu tư, góp phần củng cố thêm những quan điểm xoay quanh lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Ngược lại, đồng Euro đã tăng so với đồng bạc xanh và đồng yên Nhật. Cụ thể, đồng Euro chốt phiên giao dịch tăng 0,33% ở mức 1,0388 USD đồng thời tăng 0,46% so với đồng yên Nhật. Bên cạnh đó, đồng USD đã tăng 0,07% so với yên Nhật ở mức 139,3950.
Giá vàng thế giới dao động gần mức đỉnh 3 tháng
Giá vàng ổn định gần mức cao nhất trong 3 tháng vào ngày thứ Tư (16/11), được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu trong khi thị trường chuyển sự tập trung từ căng thẳng toàn cầu sang chiến lược lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kết phiên giao dịch, hợp đồng vàng giao ngay giảm 0,16% xuống 1.775,39 USD/oz; hợp đồng vàng tương lai nhích lên 1.778,9 USD/oz.
Giá vàng dao động gần mức đỉnh ghi nhận được vào ngày thứ Ba (15/11), cao nhất kể từ ngày 15/8/2022 sau các báo cáo về một tên lửa làm 2 người thiệt mạng ở Ba Lan gần biên giới Ukraine.
Vàng đã hạ nhiệt đà tăng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết vũ khí này có thể không được bắn từ Nga, làm giảm bớt lo ngại về sự leo thang căng thẳng.
Giá dầu hôm nay giảm hơn 1% khi đường ống dẫn dầu Druzhba hoạt động trở lại
Kết phiên, hợp đồng dầu Brent giảm 1 USD (tương đương 1,1%) xuống 92,86 USD/thùng; hợp đồng dầu WTI mất 1,33 USD (tương đương 1,5%) còn 85,59 USD/thùng.
Thị trường đã xoá sạch đà tăng đầu phiên sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Hungary, Peter Szijjarto, cho biết đường ống dẫn dầu Druzhba từ Nga đã hoạt động trở lại sau thời gian ngắn bị gián đoạn.
Ưu tiên nguồn lực giám sát 24/7 các hệ thống thông tin dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Thông tin kinh tế tài chính ngày 28/2: Phố Wall xanh trở lại, tỷ giá USD quay đầu