Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Ngày 24/4, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành chính thức các quy định mới liên quan tới hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM).
Trong đó, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tối đa là 12 tháng nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Cụ thể, Thông tư cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Thời gian triển khai việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (24/4) đến hết ngày 30/6/2024.
Đánh giá về động thái này, bà Trần Thị Thu Thảo – Chuyên gia khối phân tích, Công ty CPCK VNDirect cho rằng, việc ban hành Thông tư 02 của NHNN là rất kịp thời.
Xử lý các vấn đề kịp thời, cấp bách - tránh vỡ nợ theo kiểu “domino”
Trong quý 1/2023, Ngân hàng Nhà nước có những nhịp giảm lãi suất nhưng mục tiêu không phục vụ cho riêng thị trường bất động sản mà hỗ trợ nền kinh tế nói chung, bởi mức lãi suất cao ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của tất cả doanh nghiệp.
Như đã đề cập ở nhiều báo cáo trước đó, dưới tác động của môi trường lãi suất cao, các doanh nghiệp Việt Nam đã gặp phải tình trạng thanh khoản căng thẳng (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bên cạnh đó là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản), chuyên gia Trần Thị Thu Thảo chia sẻ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 là 2,58 triệu tỷ đồng, tương đương với 21% dư nợ tín dụng và khoảng 26,3% GDP.
Tốc độ tăng trưởng dòng vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại đổ vào lĩnh vực bất động sản năm 2022 ở mức khoảng 24%, tăng gấp 1,6 - 1,7 lần so với tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống là 14,17% năm 2022; đồng thời, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bất động sản năm 2021 và 2020 (lần lượt là 15,37% và 12,06%).
Điều này khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ bị trì trệ do thiếu hụt dòng tiền. Đối với các cá nhân, lãi suất cao cũng tác động đến nhu cầu vay tiêu dùng/vay mua nhà của họ.
Quan trọng hơn, việc thiếu hụt dòng tiền và thu nhập suy giảm sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp cũng như là các cá nhân trong thời điểm này.
"Vì vậy khi nhận thấy được những bất cập hiện tại, NHNN vừa qua đã ban hành Thông tư 02/2023 về việc giãn/hoãn nợ, cơ cấu nhóm nợ cho các khoản vay liên quan đến sản xuất kinh doanh cũng như là các khoản vay tiêu dùng, nhằm giúp các doanh nghiệp cũng như các cá nhân giảm áp lực thanh khoản và hỗ trợ các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt", bà Thảo cho hay.
Tác động tích cực đến các tổ chức tín dụng
Theo chuyên gia Trần Thị Thu Thảo, trước hết, việc giãn thời hạn cơ cấu nợ thêm 6 tháng giúp tăng hiệu quả của Thông tư được ban hành, vì các chính sách đưa ra sẽ cần một thời gian để làm quen và thực thi.
Cần nhắc lại rằng, triển vọng kém khả quan của thị trường nói chung và ngành BĐS đã và đang là một vấn đề đáng quan tâm đối với bức tranh chất lượng tài sản của các ngân hàng.
Với hiệu lực của TT02/2023, nhìn chung áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng sẽ được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024.
“Chúng tôi cho rằng Thông tư này sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay BĐS/vay tiêu dùng/vay bán lẻ cao trong danh mục tín dụng như VPBank,VIB, TCB, MBB… do các ngân hàng này đang phải đối diện với rủi ro trích lập dự phòng cao hơn (so với các ngân hàng khác có mô hình kinh doanh an toàn hơn) trong thời điểm này”.