Hàng trăm nghìn nạn nhân đã bị các băng nhóm tội phạm buôn người buộc phải làm việc trong các trung tâm lừa đảo trực tuyến. Hiện tượng này bắt đầu xuất hiện đầu tiên ở Đông Nam Á, và đang lan rộng ra quy mô toàn cầu.
Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đã theo dõi hiện tượng buôn người quy mô lớn và gần đây đã phát ra cảnh báo về xu hướng lừa đảo trực tuyến nguy hiểm có liên quan đến hoạt động này.
Các chiến dịch đấu tranh với tội phạm của Interpol có liên quan đến hoạt động buôn bán và nô dịch con người thời hiện đại ở quy mô toàn cầu.
Thủ đoạn mới của loại tội phạm này là dụ dỗ nạn nhân thông qua các quảng cáo việc làm giả để đưa người lao động đến các trung tâm lừa đảo trực tuyến và buộc họ thực hiện các hoạt động lừa đảo tài chính trực tuyến ở quy mô công nghiệp.
Điều đáng quan ngại là loại hình tội phạm này đang có xu hướng phát triển ở phạm vi toàn cầu, vượt ra ngoài những vụ việc được phát hiện ban đầu ở khu vực Đông Nam Á, với các trung tâm mới hình thành tại Trung Đông và châu Mỹ Latinh.
Interpol cho biết, trong tháng 10/2023, cơ quan thực thi pháp luật của hơn 20 quốc gia đã tiến hành kiểm tra hàng trăm điểm nóng về buôn người và buôn lậu, nhiều điểm trong số đó phát hiện rất nhiều nạn nhân bị lạm dụng sức lao động để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến ở quy mô công nghiệp ‘trong điều kiện chịu đựng sự ngược đãi khốn khổ về thể xác’.
Các chiến dịch đã giúp thực hiện hàng trăm vụ bắt giữ và phát hiện dấu vết đang không ngừng mở rộng về mặt địa lý của loại hình tội phạm này.
Các phát hiện của Interpol cho thấy, người lao động từ khắp nơi trên thế giới ngày càng dễ dàng bị thu hút bởi các quảng cáo trên mạng xã hội và các trang tuyển dụng hứa hẹn về những việc làm béo bở.
Tuy nhiên, khi tìm được đích đến, thường là ở châu Á, người lao động bị cưỡng ép phải làm các công việc liên quan đến lừa đảo kỹ thuật số ở quy mô lớn.
Điển hình, các công dân Malaysia bị dụ dỗ đến Peru bằng lời hứa về công việc được trả lương cao, trong khi công dân Uganda bị lừa gạt đưa đến Dubai, Thái Lan hay Myanmar.
Tại những nơi này, họ bị giam giữ dưới sự bảo vệ có vũ trang và được huấn luyện cách lừa đảo trực tuyến. Hoạt động lừa đảo này đang phát triển nhanh chóng bởi có thể dễ dàng tạo ra doanh thu hàng tỷ USD.
Trợ lý Giám đốc Cộng đồng dễ bị tổn thương thuộc Interpol Rosemary Nalubega cho biết, phương thức hoạt động này đang lan rộng, với các nạn nhân từ tất cả các lục địa và các trung tâm lừa đảo mới hình thành ở những nơi xa xôi thuộc châu Mỹ Latinh.
Reuters gần đây cũng đã công bố một phóng sự điều tra về sự gia tăng của loại hình tội phạm này và cách dòng tiền của chúng vận hành.
Những kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo và buôn người thường sở hữu tài khoản tiền điện tử được đăng ký một cách hợp pháp, có thể dễ dàng tiếp nhận và ‘rửa sạch’ hàng triệu USD từ các nguồn có nhiều khả năng liên quan đến hoạt động tội phạm.
(theo CSI)