Thủ tướng: Việt Nam sẽ tiến hành vòng đàm phán đầu tiên với Mỹ vào ngày 7/5
Thủ tướng Phạm Minh Chính xác nhận phiên đàm phán thuế đối ứng với Mỹ sẽ bắt đầu vào ngày 7/5, mở đường cho loạt hợp tác thương mại quan trọng trong tháng này.
Việt Nam sẽ đàm phán phiên đầu tiên với Mỹ về thuế đối ứng vào ngày 7/5
Sáng ngày 5/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2024, kế hoạch năm 2025 và kết quả thực hiện dự toán ngân sách những tháng đầu năm.
Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo Quốc hội là 6,8 - 7%), cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới; nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỷ USD, tăng 3 bậc, vươn lên vị trí thứ 32 thế giới. GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 4.700 USD, tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao.
"Trong bối cảnh nhiều khó khăn, kết quả đạt được của năm 2024 là rất đáng trân trọng, tự hào, tốt hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực”, Thủ tướng nhấn mạnh.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Báo Thanh niên) |
Theo Thủ tướng, đầu năm nay, việc Mỹ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Chính phủ vẫn tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Mỹ đồng ý đàm phán.
Ngay sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm và có thư gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump; cử Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm đặc phái viên của Tổng Bí thư sang làm việc với Mỹ.
Đảng ủy Chính phủ đã báo cáo ngay Bộ Chính trị, Ban Bí thư tình hình và đề xuất giải pháp. Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức 10 phiên họp về phương án đàm phán, ban hành nhiều văn bản, quyết liệt chỉ đạo các giải pháp ứng phó và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng; làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp lớn xuất khẩu sang Mỹ.
Sau khi Mỹ công bố lùi thời gian áp thuế đối ứng và thống nhất khởi động đàm phán với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn và chỉ đạo xây dựng phương án đàm phán.
Việt Nam đã bắt đầu đàm phán và thuộc nhóm 6 nước được Mỹ ưu tiên đàm phán (gồm Vương quốc Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia) trong hơn 100 nền kinh tế.
"Ngày 7/5 sẽ tiến hành phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, Chính phủ đã và đang chỉ đạo sát sao Đoàn đàm phán và các bộ, cơ quan theo dõi tình hình, khẩn trương hoàn thiện phương án và sẵn sàng đàm phán với Mỹ với tinh thần "lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ".
Nhiều hợp đồng mua bán, nhập khẩu sẽ được ký kết
Trước đó, ngày 29/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để rà soát các công việc chuẩn bị đàm phán thương mại với phía Hoa Kỳ. Đây là lần thứ 6 Thủ tướng họp về việc triển khai các kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm về thích ứng với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.
Sau khi nghe ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua Việt Nam đã triển khai đồng bộ, tích cực các giải pháp; các bộ, ngành đã vào cuộc với trách nhiệm cao nhất.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp với các bộ, ngành để rà soát các công việc chuẩn bị đàm phán thương mại với phía Hoa Kỳ (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Kết quả đạt được đến nay theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên tình hình vẫn còn nhiều phức tạp. Do đó, các cơ quan cần bám sát, nắm chắc diễn biến, phản ứng khẩn trương, kịp thời, hiệu quả, khả thi và phù hợp; chủ động giải quyết các vấn đề theo thẩm quyền.
Các cơ quan phía Việt Nam đã và đang rất tích cực xử lý các vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa, phi thuế quan, sở hữu trí tuệ, bản quyền, cắt giảm thủ tục hành chính. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải chủ động làm việc với phía Hoa Kỳ, giải thích rõ những vấn đề mà phía bạn quan tâm và Việt Nam đã triển khai.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đàm phán ký kết trong tháng 5/2025 các hợp đồng mua bán, nhập khẩu các mặt hàng từ Hoa Kỳ như khí LNG, máy bay, thuốc, vật tư y tế, nông sản… nhằm bảo đảm cân bằng thương mại bền vững.
Loạt doanh nghiệp Việt tăng tốc đàm phán
Liên quan tới khí LNG, ngày 13/3, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ của đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Bộ Công Thương, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã ký các biên bản ghi nhớ (MoU) với Tập đoàn ConocoPhillips và Excelerate liên quan đến các thỏa thuận mua bán LNG dài hạn.
![]() |
Lãnh đạo PV GAS trao đổi văn kiện với đại diện Excelerate Energy (Ảnh: Báo Chính phủ) |
CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và GE Vernova đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác về mua sắm thiết bị và dịch vụ cho các nhà máy điện khí do PV Power phát triển.
Ngoài ra, CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) đã ký hợp đồng tư vấn nghiên cứu tiền khả thi về nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) với Tập đoàn KBR (Kellogg Brown & Root).
Tới đầu tháng 4/2025, hãng hàng không Vietjet (VJC) và AV AirFinance ký kết thỏa thuận hợp tác tổng trị giá 300 triệu USD với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Hồ Đức Phớc trong khuôn khổ chuyến công tác nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại song phương Việt – Mỹ.
Thỏa thuận từ AV AirFinance là một phần trong loạt thỏa thuận tài chính trị giá 4 tỷ USD mà Vietjet đã thực hiện cùng các đối tác hàng đầu Hoa Kỳ. Các thỏa thuận phục vụ kế hoạch phát triển đội tàu bay mới, bao gồm gần 300 tàu bay dự kiến được bàn giao trong giai đoạn 2025–2027.
![]() |
Lãnh đạo Vietjet và AV AirFinance Stephen Murphy trao thỏa thuận hợp tác phát triển đội bay (Ảnh: Báo Chính phủ) |
Cũng trong thời gian này, Vietnam Airlines (HVN) ký ghi nhớ hợp tác cùng Ngân hàng Citi về cam kết tài trợ vốn cho các dự án trọng điểm trong khuôn khổ chuyến công tác của đoàn Chính phủ Việt Nam tại Mỹ.
Lễ ký thỏa thuận trị giá 560 triệu USD trở lên diễn ra trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trong khuôn khổ chuyến làm việc của đoàn Chính phủ Việt Nam tại Hoa Kỳ.
>> Cơn sốt vận tải do lo ngại thuế quan tại Mỹ: Lợi nhuận trước mắt, suy thoái đang tới gần