Chia sẻ quan điểm của mình về mức lương thử việc bằng một câu chuyện, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT khiến nhiều người thán phục.
Thay vì lựa chọn đi thực tập tại các công ty, doanh nghiệp, giờ đây hình ảnh "chàng trai/cô gái" áo xanh lá, mũ bảo hiểm Grab miệt mài trên những cung đường tấp nập lại trở nên phổ biến. Nỗi ám ảnh mang tên "thất nghiệp, lương thấp" sau cánh cổng trường đại học buộc nhiều bạn trẻ tạm gác lại ước mơ, "cất bằng đại học" và tìm đến các dịch vụ xe ôm công nghệ như một giải pháp mưu sinh.
Sự đánh đổi có xứng đáng?
Liên quan đến vấn đề này, trong một buổi talkshow "Gen Z - Job chuẩn từng mili" vào tháng 7/2023 với hàng trăm sinh viên FPT Polytechnic, ông Hoàng Nam Tiến, (SN 1969, Hà Nội) - nguyên Chủ tịch FPT Software, FPT Telecom, Tập đoàn FPT, hiện đang là Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT đã có phần chia sẻ quan điểm của mình về mức lương của những người mới đi làm.
Cụ thể, một bạn sinh viên đặt câu hỏi: “Tại sao một số công ty, doanh nghiệp trả lương thử việc đúng chuyên ngành không lại bằng các bạn chạy xe ôm công nghệ lương 1x-2x/tháng?”
Ông Tiến đã trả lời bằng một câu chuyện rằng: “Tôi từng trực tiếp nói về câu chuyện này. Người đặt câu hỏi khi ấy là một chàng trai rất cá tính, học hành tử tế và giỏi giang. Khi nghe tôi bảo, lương thử việc của cháu tháng đầu tiên 8 triệu. Cậu ta ngay lập tức phản bác: Bác nói đùa à? Bây giờ cháu xách con xe máy ra đường cũng kiếm được 12 triệu. Cháu làm Grab”. Ông Tiến đáp rằng: “Con hãy cứ cầm xe chạy Grab, 5 năm nữa thu nhập của con vẫn 12 triệu. Còn bạn chấp nhận 8 triệu thử việc hôm nay và nỗ lực mỗi ngày, nếu không quá kém cỏi, chỉ 5 năm sau thôi, lương của bạn ấy phải 30 triệu”.
Ông Tiến nói thêm, việc chấp nhận học trong doanh nghiệp, trưởng thành nhanh chóng và không hài lòng với những gì mình đang có sẽ giúp bạn thành công hơn.
Trên thực tế, tốt nghiệp cao đẳng, đại học, nhiều bạn trẻ đứng trước lựa chọn giữa hai con đường, trở thành nhân viên văn phòng với mức lương khởi điểm 5-8 triệu đồng/tháng nhưng ổn định, hoặc thử sức với nghề tài xế xe ôm công nghệ hứa hẹn thu nhập cao hơn, không dưới 10 triệu/tháng. Tuy nhiên, sức hấp dẫn ban đầu của công việc tài xế xe ôm công nghệ tiềm ẩn nhiều thử thách. Để kiếm được mức thu nhập cao, tài xế phải làm việc cật lực bất kể nắng mưa, bắt đầu từ sáng sớm đến tối muộn, trung bình mỗi ngày hơn 10 tiếng, gấp rưỡi so với nhân viên văn phòng.
Hơn nữa, cơ hội thăng tiến trong nghề tài xế xe ôm công nghệ khá hạn chế, thu nhập phụ thuộc vào số giờ lái xe. Trong khi đó, nhân viên văn phòng có lộ trình thăng tiến rõ ràng, được hưởng các chế độ đãi ngộ và bảo hiểm xã hội đầy đủ. Trước vấn đề sinh viên mới ra trường nên chạy xe ôm lương 12 triệu đồng hay thử việc với mức lương khởi điểm 5-8 triệu đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, không cẩn trọng các em sẽ tụt lại mất vài ba năm và “thua” rất nhiều.
Bị bỏ lại với lượng kiến thức khủng
Tại Ngày hội việc làm của Trường Đại học Hà Nội ngày 15/12, ông Nguyễn Bảo Long, Trưởng phòng Phát triển Cộng đồng và Quan hệ đối tác, Công ty TopCV Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn thú vị về những yếu tố mà sinh viên mới ra trường thường quan tâm khi chọn việc làm.
Thông tin trên Báo Dân Trí chia sẻ, theo ông Long, sinh viên mới ra trường thường tập trung vào những yếu tố như mức lương, danh tiếng công ty, cơ hội thăng tiến. Họ thường đặt câu hỏi "làm bao nhiêu năm thì lên sếp?" thay vì "công việc này có phù hợp với đam mê và năng lực của mình không?".
Lấy ví dụ tranh cãi trên mạng xã hội gần đây về việc sinh viên nên chọn làm xe ôm công nghệ với thu nhập hàng chục triệu đồng hay làm đúng ngành với lương chỉ 5 triệu đồng, ông Long cho rằng nhiều bạn trẻ bị thu hút bởi con số mà bỏ qua những giá trị ngầm quan trọng khác trong công việc.
Theo ông Long, bên cạnh yếu tố lương, sinh viên cần cân nhắc sở thích, cá tính, giá trị nghề nghiệp và cơ hội phát triển bản thân khi lựa chọn công việc. Một công việc phù hợp với đam mê sẽ mang lại cho bạn sự hài lòng, động lực học hỏi và phát triển hơn nhiều so với việc chỉ quan tâm đến thu nhập nhất thời. “Tất nhiên các bạn có thể chọn làm Grab để nhận tiền tươi thóc thật nhưng bạn sẽ rơi vào "bẫy" thu nhập bởi công việc ấy không có sự phát triển, bạn sẽ tụt lại mất vài ba năm và thua rất nhiều”, ông Long nói.
Ông Long cũng chia sẻ thêm, đây có thể là một lựa chọn sai lầm, được ví như "ăn xổi" mà "thiếu trước hụt sau". Thay vì tập trung vào việc xây dựng nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc, họ lại chọn những con đường ngắn hạn, dễ dàng kiếm được tiền nhưng không mang lại nhiều giá trị.
Trên thực tế, mức lương khi mới học việc không phải là yếu tố quan trọng nhất đối với một người trẻ mới bước chân vào thị trường lao động. Thay vì chỉ tập trung vào con số, hãy xem đây là cơ hội để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và vốn sống quý báu cho hành trình dài phía trước.
>> Mang 2 bằng đại học đi chạy xe ôm công nghệ, tài xế mua nhà sau 1 năm