Thương chiến Mỹ - Trung: TPBank giữ vững thế cân bằng, khách hàng xuất nhập khẩu chỉ bị 'va đập nhẹ'
Sáng ngày 24/4, TPBank (TPB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 thông qua một số nội dung quan trọng.
Sáng ngày 24/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 tại tòa nhà DOJI, số 5 Lê Duẩn, Ba Đình, Hà Nội.
Đại hội thông qua một số nội dung như kết quả kinh doanh năm 2024, kế hoạch kinh doanh năm 2025, chia cổ tức, tăng vốn điều lệ...
Một trong những nội dung thảo luận được cổ đông quan tâm là tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới các khách hàng doanh nghiệp của TPBank, đặc biệt là nhóm xuất nhập khẩu (XNK) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trả lời vấn đề này, Ban lãnh đạo TPBank khẳng định, ngân hàng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đang duy trì thế cân bằng ổn định trong bối cảnh nhiều biến động.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết, tổng dư nợ tín dụng đối với các khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến thị trường Mỹ hiện khoảng 10.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu từ thị trường Mỹ chỉ chiếm dưới 20% tổng doanh thu của các doanh nghiệp này, do đó mức độ ảnh hưởng từ thương chiến được đánh giá là không đáng kể.

Ông Hưng chia sẻ: "Chúng tôi đã rà soát và xem xét cẩn trọng các khoản tín dụng mới, đặc biệt là những khoản tín dụng liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ, như nông sản và thủy sản. Thị trường Mỹ vốn đã khó khăn, ngay cả trong thời kỳ bình thường, việc xuất khẩu sang Mỹ đã rất khó. Với tình hình thuế suất cao hiện tại, việc kiếm lợi nhuận từ xuất khẩu sang Mỹ càng trở nên khó khăn hơn".
Với nhóm doanh nghiệp FDI, ông Hưng cho biết, phần lớn các doanh nghiệp này không sử dụng vốn vay từ ngân hàng nội địa mà thường vay từ ngân hàng quốc gia của họ. TPBank chủ yếu cung cấp các dịch vụ thanh toán, ngoại hối và hỗ trợ giao dịch quốc tế. Vì thế, rủi ro tín dụng từ nhóm này gần như không phát sinh.
Đối với nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nếu có thì chỉ 2-3 doanh nghiệp và TPBank sẽ theo dõi để hỗ trợ trong trường hợp doanh nghiệp khó khăn khi họ muốn chuyển đổi, cơ cấu lại.
Cũng về vấn đề này, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết thêm, hiện tại doanh nghiệp là khách hàng của TPBank chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan, thương chiến không nhiều. Tuy nhiên bối cảnh thách thức cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế và gián tiếp tới các khách hàng khác.
TPBank có kịch bản để bảo vệ hiệu quả hoạt động của ngân hàng, trong đó TPBank giảm bớt chi phí không cần thiết. Nhưng khoản đầu tư chưa cần thiết thì dừng lại. Khi nền kinh tế có biến động bất thường thì người dân cũng có xu hướng tìm đến kênh trú ẩn an toàn nhiều hơn. Ban lãnh đạo TPBank sẽ tính đến lãi suất phù hợp để sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Chủ tịch HĐQT TPBank nhấn mạnh: "Quyết tâm cao nhất của TPBank là mục tiêu an toàn hệ thống ngân hàng, trước cả mục tiêu lợi nhuận. Chúng tôi sẽ cân bằng điều đó. TPBank sẽ theo dõi sát sao để có kịch bản cụ thể và cổ đông có thể tin tưởng. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong những giai đoạn khó khăn, từng tái cơ cấu thành công cách đây 13 năm".
Ông Phú phát biểu: "Chúng tôi cũng sẵn sàng tinh thần chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ. Nếu năm nay chúng ta không đạt lợi nhuận 9.000 tỷ thì cũng mong cổ đông hiểu vì chúng ta sẵn sàng để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn".
>> ĐHĐCĐ TPBank: Mục tiêu lợi nhuận tăng 18%, chia cổ tức 15% bằng tiền mặt và cổ phiếu
ĐHĐCĐ TPBank: Mục tiêu lợi nhuận tăng 18%, chia cổ tức 15% bằng tiền mặt và cổ phiếu
Trước thềm ĐHĐCĐ, một ngân hàng trình phương án chia cổ tức cao kỷ lục tới 50%