Hồi sinh nhờ sàn thương mại điện tử, sản phẩm Cao sao vàng của Việt Nam bán khá chạy tại các website mua bán trực tuyến nổi tiếng và có uy tín trên thế giới như: Ebay, Amazon...
Trước đây, tiểu thương đã quen với việc người tiêu dùng thích đến trực tiếp cửa hàng để trải nghiệm, chọn sản phẩm ưng ý. Nhưng từ khi đại dịch bùng phát, mua sắm trực tuyến lên ngôi, buộc các hộ kinh doanh vừa và nhỏ phải có giải pháp phù hợp nhằm cải thiện tình hình kinh doanh, đồng thời bứt phá doanh thu.
Theo thống kê tới cuối năm 2022 của Bộ TT&TT, Việt Nam có tới 78,1% dân số sử dụng internet và số người dùng internet truy cập bằng điện thoại thông minh là 95,8%. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới.
Cộng thêm những lợi ích từ các kênh kinh doanh online dành cho nhà bán hàng, thay vì trầy trật phân phối sản phẩm thông qua các kênh đại lý truyền thống, vừa nặng về chi phí hoa hồng, vừa vất vả trong logistics, nhiều doanh nghiệp và tiểu thương quyết định chuyển hướng kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thích ứng với thời buổi hiện nay.
“Đem chuông đi đánh xứ người”
Thực tế, trong khoảng thời gian vừa qua, dù khó khăn bủa vây song, không ít doanh nghiệp Việt vẫn làm nên tên tuổi khi hợp tác với sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Trong số đó có thể kể đến những thương hiệu như Vinamilk, TH, Sunhouse hay gạo ST25…
Bên cạnh những doanh nghiệp lớn có được “giấy thông hành”, vươn ra thị trường thế giới, còn có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ cũng làm được điều tương tự. Họ âm thầm nỗ lực từng ngày, từng giờ để gây dựng hình ảnh, tên tuổi của mình ở thị trường quốc tế.
Chạm vào cánh cửa Amazon, ChicnChill là thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cói xiên đan lát đã tìm được lối đi riêng vào đầu năm 2021.
Khởi đầu của ChicnChill khá đặc biệt. Khi nhiều doanh nghiệp phải thu mình tránh dịch, chủ thương hiệu là anh Trần Tuấn Dũng đã nhìn thấy cơ hội cho những sản phẩm của mình. Đó là khi giãn cách xã hội được áp dụng, nhiều người phải ở nhà cũng chính là lúc xu hướng mua sắm đồ nội thất, trang trí nhà cửa lên ngôi, đặc biệt là thị trường Mỹ. Anh tìm cách đưa những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đan lát trang trí nội thất của ChicnChill lên các sàn thương mại điện tử quốc tế.
Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn tham gia xuất khẩu và bán hàng trên Amazon, các sản phẩm thủ công trang trí của ChicnChill được đón nhận và yêu thích trên nền tảng này. Có được thành công ban đầu, anh Dũng đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho hơn 800 thợ thủ công ở các làng nghề cói xiên tại Ninh Bình, Nam Định.
Hiện tại, công ty đã có nhà xưởng với quy mô hơn 1.000 m2 tại làng nghề cói Kim Sơn (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), với gần 300 dòng sản phẩm, giá xuất khẩu từ 20-100 USD/sản phẩm. Nhà sáng lập ChicnChill tự tin sẽ đạt mức tăng trưởng doanh số 200% - 300% mỗi năm trong thời gian tới, cũng như mang sản phẩm đan lát của Việt Nam mở rộng sang thị trường Anh và cả châu Âu.
Chia sẻ kinh nghiệm của một startup nhỏ có những thành công bước đầu trên lĩnh vực thương mại điện tử, ChicnChill chú trọng vào khâu xây dựng và phát triển thương hiệu, đồng thời kết hợp các giải pháp quảng cáo cho gian hàng và sản phẩm, tiếp cận và tiếp thị đến khách mua hàng.
Ngoài ra, việc xây dựng hình ảnh, nội dung, gợi ý cách trang trí, giới thiệu về nguồn gốc sản phẩm đến khách hàng quốc tế một cách chuyên nghiệp, hiện đại và cập nhật xu hướng là bước đi quan trọng. Những điều đó giúp công ty tăng trưởng 700% về doanh số trong năm đầu xuất khẩu online.
Hay câu chuyện hồi sinh kỳ diệu của cao Sao vàng, sau năm 1986 - năm cuối cùng có chỉ tiêu sản xuất với 4 triệu hộp và cho đến những năm 2000 sản phẩm dần mờ nhạt ở thị trường nội địa và bị lấn át bởi vô số các loại dầu như dầu gió, dầu khuynh diệp, dầu tràm...
Theo số liệu từ Vietnam Report JSC, cái tên Cao Sao Vàng cũng hoàn toàn mất hút trong danh sách cơ cấu doanh thu các sản phẩm bán chạy của doanh nghiệp |
Sau một thời gian im ắng ở Việt Nam, cao Sao Vàng gần đây bỗng trở thành hàng “hot” ở thị trường quốc tế. Đặc biệt, sản phẩm này bán khá chạy tại các website mua bán trực tuyến nổi tiếng và có uy tín trên thế giới như: Ebay, Amazon… với mức giá cao gấp vài chục lần so với thị trường Việt.
Hiện, sàn thương mại điện tử Amazon vẫn có bán sản phẩm trên với giá từ 8,99 USD (~ 200.000 đồng) tùy cửa hàng. Một số cửa hàng còn cho biết sản phẩm đã gần hết và sẽ tiếp tục nhập hàng mới về.
Với nhiều người thế hệ 8x hoặc cả các bạn 9x và đông đảo người dân Việt Nam, nhắc đến cái tên Cao Sao Vàng là một bầu trời ký ức lại ùa về.
Doanh thu khủng trên sàn thương mại điện tử
Cũng xuất khẩu cùng dạng mặt hàng, bà Hoàng Thanh Tâm, Giám đốc điều hành CTCP Đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương cho biết, việc hợp tác và trở thành nhà cung cấp xác minh trên sàn Alibaba.com đã giúp doanh nghiệp tiếp cận được 20.000 - 30.000 khách mỗi tháng, đem lại giá trị giao dịch đạt 5 triệu USD.
Trong khi đó, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ DSW - một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng phấn khởi thông báo tính tới thời điểm hiện tại, doanh thu trên sàn Alibaba.com của công ty đang tăng trưởng 350% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có được là nhờ vào hai thị trường trọng điểm Trung Quốc và Hàn Quốc. Tính riêng thị trường Trung Quốc, hiện doanh thu ước đạt xấp xỉ 2 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, bà Phi đặt mục tiêu xuất khẩu cuối năm sẽ đạt 3,5 triệu USD và tiếp tục thâm nhập thị trường EU trong thời gian tới.
Không tìm đâu xa, ông lớn Sunhouse, vốn quen thuộc với thị trường bán lẻ truyền thống đã tham gia xuất khẩu trên sàn TMĐT Amazon. Dù chỉ mới hoạt động trong đầu năm nay nhưng doanh số các mặt hàng của hãng này luôn tăng trưởng trung bình 160 – 300%/tháng tại thị trường Bắc Mỹ. Giám đốc marketing của Sunhouse cho biết "việc hợp tác với Amazon đã giúp thương hiệu tiếp cận trực tiếp với thị trường quốc tế thay vì thông qua trung gian xuất khẩu và bán lẻ. Nhờ đó, một số sản phẩm luôn trong tình trạng cháy hàng".
TMĐT phát triển rộng rãi, nhiều nghề nghiệp được ra đời như Streamer hay KOL affiliate. Đây là hai nghề có sức thu hút với các bạn trẻ trên TMĐT nhờ sự linh động, tự do thể hiện bản thân, đồng thời mang đến thu nhập tốt.
Từ báo cáo Kinh tế khu vực Đông Nam Á cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế Internet Việt Nam nhanh nhất trong khu vực, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên quy mô 23 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, 14 tỷ USD là từ lĩnh vực thương mại điện tử, dự báo kinh tế Internet Việt Nam có thể đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025, trong đó thương mại điện tử chiếm tới 32 tỷ USD.
Điều này cho thấy, ưu thế lớn nhất của thương mại điện tử giúp khắc phục khoảng cách về địa lý, tiếp cận lượng khách hàng lớn, tiết kiệm chi phí, cung cấp thông tin so sánh giá, tạo nhiều chương trình Marketing và chăm sóc khách hàng…
Liệu có khó khăn nào cho kinh doanh trên sàn TMĐT?
Hiện nay 70% dân số Việt Nam tiếp cận Internet và đa phần là người trẻ trong thế hệ Gen Z, đến năm 2050 Gen Z chính là đối tượng tiêu dùng chính và mua sắm chính, đây chính tiềm lớn trong việc phát triển. Tuy nhiên, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử còn gặp thách thức trong việc để những người mua sắm lớn tuổi tìm đến các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử cũng là những khó khăn đối với doanh nghiệp.
Với sự phát triển của mạng xã hội, theo thông kê có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội. Ngoài ra, số lượng lao động trong doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các công cụ như Zalo, WhatsApp, Viber hay Facebook Messenger cũng liên tục tăng qua từng năm.
Bán hàng trên các mạng xã hội đang được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất, vượt qua các hình thức khác như website hay ứng dụng của doanh nghiệp cũng như sàn TMĐT. Nổi bật nhất là sự ra đời và tăng trưởng mạnh mẽ của TikTok Shop.
Tương tác cũng là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ đau đầu khi đối mặt, nó đóng vai trò khá quan trọng đối với một số ngành kinh doanh và giao dịch.
Ngoài ra chi phí Logistics phục vụ cho thương mại điện tử khá cao, thống kê cũng chỉ ra chi phí logistics của Việt Nam còn cao hơn so với thế giới. Năm 2022 còn số này tại Việt Nam khoảng 16,8% trong khi đó trung bình thế giới khoảng 10%.
Hạn chế cuối cùng của thương mại điện tử là vấn đề về hoàn trả và bảo hành. Nhiều khách hàng mua sắm trực tuyến, họ không thể kiểm tra sản phẩm trực tiếp trước khi mua. Từ đó, việc hoàn trả sản phẩm hoặc đổi hàng có thể trở nên khó khăn và tốn nhiều thời gian.
Quốc hội Quốc hội thông qua dự án Luật Dược sửa đổi, cấm bán online thuốc kê đơn
Bùng nổ số lượng chuyến bay tới Trung Quốc nhờ cơn sốt thương mại điện tử và khủng hoảng Biển Đỏ