Nền kinh tế trong nước và thế giới tháng 9/2022 có vẻ đã yếu đi phần nào trong bối cảnh những ảnh hưởng của các chính sách tăng lãi suất trên toàn cầu, đặc biệt là từ hiệu ứng Fed.
Sáng ngày 29/9/2022, Tổng Cục Thống kê đã công bố Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2022.
GDP 9 tháng đạt kỷ lục 12 năm: Theo báo cáo, tăng trưởng GDP quý III/2022 đạt mức 13,67% so với cùng kỳ năm 2021; GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% YoY và là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022.
Lạm phát vẫn được khống chế: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước; so với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%.
CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88% - vẫn nằm trong vùng kiểm soát cũng như chỉ tiêu được Quốc hội đề ra.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 29,94 tỷ USD - giảm 14,3% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD - tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,5% so với quý II/2022.
Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD - tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89% - tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 28,8 tỷ USD - giảm 7,3% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý III/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,7 tỷ USD - tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với quý II/2022.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD - tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 91,6 tỷ USD.
Trong giai đoạn này, Việt Nam xuất siêu sang EU khoảng 24,3 tỷ USD - tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước trong khi nhập siêu từ Trung Quốc 51,5 tỷ USD - tăng 21,3%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước tính xuất siêu 1,14 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).
Xuất nhập khẩu tháng 9 giảm có đáng lo?
Trở lại với câu chuyện xuất khẩu hàng hóa giảm tốc hơn 14% và nhập khẩu cũng giảm 7,3% so với tháng 8/2022, một số ý kiến cho rằng, tình hình xuất nhập khẩu tháng 9 hạ nhiệt cho thấy sức sản xuất trong nước và cầu thế giới đang có vấn đề.
Việc giá trị xuất nhập khẩu giảm trong tháng 9 có thể hiểu là tình hình sản xuất trong nước có dấu hiệu sụt giảm hoặc nhu cầu thế giới giảm. Điều này vô hình chung làm giảm dự trữ ngoại hối qua đó gián tiếp gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát.
Trong nước thời gian qua, việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt cũng gây khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng với lãi suất phù hợp. Điều này thậm chí được quan tâm hơn cả khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã thực hiện tăng lãi suất thêm 1%. Đây cungx là lần điều chỉnh lãi suất đầu tiên của NHNN trong vòng 2 năm trở lại đây và là lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2016.
Ngay sau động thái này, hàng loạt ngân hàng trong đó đáng kể nhất là bộ tứ Big4 cũng vừa đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất theo.
Nền kinh tế trong nước và quốc tế tháng 9 vừa qua có vẻ đã yếu đi phần nào trong bối cảnh những ảnh hưởng của các chính sách tăng lãi suất trên toàn cầu, đặc biệt là từ hiệu ứng Fed (tăng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp).
Sở dĩ nói như vậy là bởi một nền kinh tế mà cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng thường cho thấy sức mạnh kinh tế và thặng dư hoặc thâm hụt thương mại bền vững. Nếu xuất khẩu đang tăng nhưng nhập khẩu lại giảm đáng kể, điều đó thể hiện việc nền kinh tế nước ngoài đang ở trong tình trạng tốt hơn nền kinh tế trong nước. Ngược lại, nếu giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhưng nhập khẩu tăng, điều này cho thấy nền kinh tế trong nước đang phát triển tốt hơn thị trường nước ngoài.
Ở góc độ khác, nếu cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều suy yếu, điều này chứng tỏ kinh tế trong nước và thế giới đang diễn biến đồng pha.
Không thể khẳng định kinh tế Việt Nam đang suy yếu bởi con số tăng 8,88% sau 9 tháng năm 2022 và là đỉnh cao trong 12 năm gần nhất không phải là ngẫu nhiên.
86,3 tỷ USD giá trị xuất khẩu vào Mỹ là con số không nhỏ giúp Việt Nam có nguồn ngoại tệ dồi dào - nhất là khi đồng USD đang không ngừng mạnh lên. Ảnh hưởng của đồng USD phần nào đã khiến đồng Nhân dân tệ lao dốc (về đáy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008) hỗ trợ cho các hoạt động nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này.
Sau 9 tháng, giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu ghi nhận tăng mạnh 48,2%. Điều này chứng tỏ EU vẫn là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho hàng Việt.
Hơn hết, Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu 6,52 tỷ USD sau 9 tháng năm 2022 trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD. Việc thặng dư thương mại dương khiến áp lực tỷ giá không bị đè nặng quá đó giữ lại đáng kể nguồn ngoại hối cho các ngân hàng.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đứng trước 'đòn kép’ thuế quan - đình công
TP trực thuộc tỉnh rộng nhất Việt Nam sắp có TTTM Aeon Mall hơn 5.000 tỷ