Tiêu thụ thép nội địa của Hòa Phát tăng vọt sau đòn thuế vào hàng Trung Quốc của Bộ Công Thương, kiến nghị tiếp tục siết chặt
Sau khi Việt Nam áp thuế chống bán phá giá tạm thời với thép Trung Quốc, Hòa Phát ghi nhận sản lượng tiêu thụ nội địa tăng mạnh. Trong bối cảnh áp lực gian lận thương mại gia tăng, tập đoàn kiến nghị tiếp tục siết chặt kiểm soát.
Theo báo cáo mới đây của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) quý I/2025, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất ổn khi Mỹ áp thuế lên loạt quốc gia đối tác thương mại, bao gồm cả Việt Nam. Mặc dù thép của Hòa Phát vốn đã chịu thuế nhập khẩu 25% tại Mỹ từ năm 2018, đợt áp thuế mới mở rộng sang các nước khác đã gây xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến nhiều doanh nghiệp thép phải chuyển hướng khỏi thị trường Mỹ. Điều này làm gia tăng áp lực cạnh tranh tại các thị trường còn lại và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu thép nói chung.
Ngược lại, thị trường nội địa Việt Nam ghi nhận tín hiệu hồi phục rõ nét sau giai đoạn trầm lắng năm 2023. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép thành phẩm trong quý đầu năm đạt 7,5 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ; tiêu thụ trong nước tăng 12,2% lên 7,5 triệu tấn, trong khi xuất khẩu giảm mạnh 37,2%, chỉ còn 1,4 triệu tấn.
Hòa Phát gia tăng thị phần nội địa
Hòa Phát, với định hướng lấy thị trường nội địa làm trọng tâm, đã phát huy lợi thế trong bối cảnh biến động. Quý I/2025, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đạt 1,192 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ; riêng tiêu thụ nội địa tăng mạnh 51%, còn xuất khẩu giảm 26%. Thị phần thép xây dựng của tập đoàn trên thị trường nội địa được nâng lên mức 39%.
![]() |
Nguồn: Hòa Phát |
Sự hồi phục ngành thép trong nước được hỗ trợ bởi loạt yếu tố tích cực như đầu tư công tăng tốc sau Tết, nhu cầu xây dựng dân dụng hồi phục tại các đô thị lớn, cùng sự phát triển của các khu công nghiệp mới tại miền Trung và phía Nam.
Từ tháng 3/2025, Việt Nam áp thuế chống bán phá giá tạm thời với thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc, tạo điều kiện cạnh tranh minh bạch hơn trên thị trường nội địa. Cùng thời điểm, phân kỳ đầu tiên của dự án Dung Quất 2 hoàn thành và bắt đầu tạo sản phẩm thương mại, góp phần thúc đẩy tiêu thụ HRC của Hòa Phát. Tổng lượng HRC tiêu thụ trong quý I/2025 đạt 994.000 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa.
Trong thời gian tới, khi thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng, Việt Nam cần tiếp tục siết chặt quản lý để ngăn chặn hành vi lẩn tránh thuế, qua đó khẳng định vai trò là đối tác thương mại đáng tin cậy và giữ vững thế cân bằng trong quan hệ quốc tế.
>> 'Cú đấm thép' 85.000 tỷ đồng vận hành, Hòa Phát (HPG) báo lãi lớn