Điều này đánh dấu lần đầu tiên ByteDance đánh bại đối thủ Tencent cả về doanh thu và lợi nhuận.
SCMP đưa tin, lợi nhuận của ByteDance đã tăng khoảng 60% trong năm 2023, vượt xa mức tăng trưởng của các công ty cùng ngành như Tencent và Alibaba.
Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi của chủ sở hữu TikTok trước tình hình suy thoái kinh tế của Trung Quốc và toàn cầu.
Kế đó, thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao của công ty tăng lên hơn 40 tỷ USD từ khoảng 25 tỷ USD vào năm 2022. Công ty khởi nghiệp giá trị nhất thế giới cũng ghi nhận doanh thu đạt gần 120 tỷ USD từ mức 80 tỷ USD.
Công ty khởi nghiệp giá trị nhất thế giới ghi nhận lợi nhuận tăng vọt nhờ ứng dụng Tiktok nổi tiếng của mình. Ảnh: SCMP |
Kết quả này đánh dấu lần đầu tiên ByteDance vượt qua đối thủ Tencent cả về doanh thu và lợi nhuận khi tận dụng nền tảng video ngắn phổ biến của mình để mở rộng sang thương mại điện tử quốc tế.
Gã khổng lồ truyền thông xã hội đã trở thành một trong những ông lớn công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới vào năm 2023.
Trong năm ngoái, chủ sở hữu của TikTok củng cố vị thế là một trong những công ty dẫn đầu về internet của Trung Quốc. Trong khi đó, Tencent và Alibaba đều đang phải vật lộn để vực dậy tăng trưởng vào thời điểm kinh tế bất ổn và sự cảnh giác của người tiêu dùng ở nước này.
Ngay cả với kết quả khả quan, ByteDance vẫn quyết định cơ cấu lại các hoạt động tại Trung Quốc vào tháng 2, với việc Kelly Zhang từ chức CEO mà không có kế hoạch bổ nhiệm người thay thế.
Sự thành công TikTok Shop tại các thị trường như Mỹ và Đông Nam Á đã mở ra những nguồn doanh thu mới ngoài hoạt động tiếp thị kỹ thuật số. Vì vậy, TikTok đang tìm cách tăng quy mô kinh doanh thương mại điện tử lên gấp 10 lần trong năm nay tại Mỹ, nơi có 170 triệu người dùng.
Trước đó, vào tháng 3, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm TikTok ở quốc gia này trừ khi ByteDance quyết định bán lại nó.
Giống như các công ty cùng ngành ở Trung Quốc, ByteDance bắt đầu cắt giảm hàng trăm việc làm tại các đơn vị phát triển trò chơi và phần mềm doanh nghiệp. Đây là những bộ phận được cho là làm giảm lợi nhuận và phần lớn không đạt được mục tiêu đã đề ra. Thay vào đó, công ty đang cố gắng bắt kịp AI, xây dựng các chatbot và mô hình ngôn ngữ lớn của riêng mình.
Theo các chuyên gia, việc ByteDance ra mắt thị trường chứng khoán vẫn là một khả năng xa vời khi công ty này phải vật lộn với sự giám sát ngày càng cao ở Mỹ. Vào thời kỳ đỉnh cao, ByteDance được định giá hơn 400 tỷ USD trong một số giao dịch tư nhân.
Vượt ông chủ của Tencent và Tiktok, nhà sáng lập PDD trở thành tỷ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc