Tín dụng bất động sản lần đầu vượt mốc 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20% dư nợ toàn nền kinh tế
Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vào cuối tháng 5 đạt khoảng 3,019 triệu tỷ đồng, tăng hơn 133.000 tỷ so với hồi đầu năm.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/5/2024, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 4,61% so với cuối năm 2023, chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng (chiếm khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng bất động sản, tăng 1,15% so với cuối năm 2023). Còn dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng 10,29% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong tổng dư nợ.
Với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 5 đạt hơn 14,034 triệu tỷ, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là khoảng 3,019 triệu tỷ đồng, tăng hơn 133.000 tỷ so với hồi đầu năm. Đây là lần đầu tiên dư nợ lĩnh vực bất động sản vượt mốc 3 triệu tỷ đồng, cao mức kỷ lục.
Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng ở mức 1,811 triệu tỷ đồng, tăng 20.600 tỷ và dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản là hơn 1,207 triệu tỷ, tăng 112.700 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Thị trường địa ốc từ đầu năm đến nay cũng ghi nhận nhiều diễn biến tích cực, nguồn cung và thanh khoản đang dần phục hồi. Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, nguồn cung bất động sản sau một thời gian hạn chế đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Thị trường ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động và dự án mới mở bán.
Trong báo cáo cáo cập nhật ngành bất động sản vừa công bố, CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cũng cho biết, tỷ lệ đòn bẩy của các chủ đầu tư địa ốc sẽ duy trì ở mức cao khi các công ty này tăng cường sử dụng nợ vay để phát triển các dự án mới. Trong quý I/2024, tỷ lệ đòn bẩy của các chủ đầu tư niêm yết có xu hướng tăng, thể hiện bằng chỉ số nợ vay/EBITDA tăng lên mức 3,4 lần từ mức nhỏ hơn 2 lần trong giai đoạn trước năm 2022 do lợi nhuận ở mức yếu và dư nợ gia tăng.
"Các chủ đầu tư thường tận dụng dòng tiền trả trước từ khách hàng khi mở bán để tài trợ cho việc phát triển dự án. Tuy nhiên phần lớn các chủ đầu tư chưa thể mở bán dự án để tiếp cận nguồn vốn này, do đó sẽ phải sử dụng nợ vay mới", đơn vị cho hay.
Theo VIS Rating, khả năng tiếp cận nguồn vốn mới cải thiện sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản giảm bớt khó khăn về thanh khoản do áp lực nợ đáo hạn trái phiếu lớn trong năm 2024 và 2025. Các chuyên gia phân tích kỳ vọng dư nợ ngân hàng cho vay kinh doanh bất động sản sẽ tăng 16-18% trong năm 2024.
>> Sacombank (STB) chấm dứt hoạt động 4 phòng giao dịch tại TP. HCM