Tỉnh 'bé hạt tiêu' sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập

28-03-2024 06:14|Thảo Đan

Hiện tại, tỉnh nhỏ sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương này có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 7 huyện, 2 thành phố.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản gửi Sở Nội vụ tỉnh, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn (Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Sông Lô, Lập Thạch, Phúc Yên) yêu cầu khẩn trương lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Đối tượng lấy ý kiến gồm cử tri tại các xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc sắp xếp, sáp nhập.

Vĩnh Phúc yêu cầu tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến cử tri phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử UBND tỉnh, trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện, cấp xã và niêm yết tại trụ sở UBND xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc sắp xếp, sáp nhập…

Việc lấy ý kiến được thực hiện theo đơn vị cấp xã, UBND cấp huyện chỉ đạo UBND xã lấy ý kiến cử tri theo từng thôn, tổ dân phố. Việc lấy ý kiến phải chú trọng đến công tác tuyên tuyền, vận động, tạo sự đồng thuận của cử tri. Sở Nội vụ có trách nhiệm hoàn thành các quy trình, thủ tục liên quan trình cấp có thẩm quyền thông qua hồ sơ, Đề án của tỉnh Vĩnh Phúc gửi Bộ Nội vụ trước ngày 30/4.

Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 7 huyện, 2 thành phố; tỉnh không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp. Vĩnh Phúc đề xuất sắp xếp 28/136 xã để thành lập 13 đơn vị hành chính cấp xã mới.

>> Tỉnh nhỏ thứ 4 cả nước từ nghèo 'đội sổ' đến tăng trưởng thần tốc, sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương

Theo đó, tại huyện Vĩnh Tường, dự kiến sáp nhập xã Tân Tiến và xã Đại Đồng thành xã mới mang tên Đồng Tiến; sáp nhập xã Lý Nhân và xã An Tường thành xã Lý An; sáp nhập xã Vân Xuân và xã Bình Dương thành xã Lương Điền; xã Vĩnh Ninh sáp nhập với xã Phú Đa thành xã mới Vĩnh Phú; sáp nhập 3 xã Việt Xuân, Bồ Sao, Cao Đại thành xã mới Mộ Chu. Dự kiến, sáp nhập xã Vĩnh Sơn vào thị trấn Thổ Tang, mang tên thị trấn Thổ Tang; xã Tam Phúc sáp nhập vào Thị trấn Vĩnh Tường, mang tên thị trấn Vĩnh Tường.

Xây dựng Vĩnh Yên xứng tầm là đô thị đầu tầu, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Vĩnh Phúc

TP. Vĩnh Yên

Tại huyện Yên Lạc sáp nhập xã Hồng Châu và xã Hồng Phương thành xã mới mang tên Hồng Châu.

Huyện Sông Lô sáp nhập xã Bạch Lưu và Hải Lựu thành xã Hải Lựu; sáp nhập xã Nhạo Sơn, xã Như Thụy vào thị trấn Tam Sơn thành đơn vị hành chính mới là thị trấn Tam Sơn.

Huyện Lập Thạch sáp nhập xã Đình Chu và xã Triệu Đề thành xã Tây Sơn. Huyện Tam Dương sáp nhập xã Vân Hội và Hợp Thịnh thành xã Hội Thịnh.

Thành phố Phúc Yên sáp nhập phường Trưng Trắc và phường Trưng Nhị thành phường mới tên là Hai Bà Trưng.

>> Huyện có nhiều thị trấn nhất Việt Nam sẽ lên thị xã, trở thành trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu cả nướcHuyện có nhiều thị trấn nhất Việt Nam sẽ lên thị xã, trở thành trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu cả nước

Theo phương án sắp xếp trên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ còn 121 đơn vị hành chính cấp xã (88 xã, 15 phường và 18 thị trấn), giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Qua khảo sát, đánh giá, nhiều đơn vị hành chính cấp xã ở tỉnh Vĩnh Phúc hiện có diện tích tự nhiên khá nhỏ; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là việc làm cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển. Điển hình xã Việt Xuân (huyện Vĩnh Tường), diện tích tự nhiên chỉ 2,8 km2, dân số 5.054 người; xã Bồ Sao (huyện Vĩnh Tường), diện tích tự nhiên 2,60km2, dân số 4.054 người; xã Lý Nhân (huyện Vĩnh Tường), diện tích tự nhiên 2,90km2, dân số 6.272 người...

Đặc biệt, diện tích tự nhiên ở một số xã, phường thuộc đô thị ở Vĩnh Phúc cũng quá nhỏ bé, điển hình là phường Ngô Quyền (thành phố Vĩnh Yên), diện tích tự nhiên chỉ có 0,6km2; phường Trưng Trắc (thành phố Phúc Yên), diện tích tự nhiên 0,9km2.

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mục tiêu đến năm 2030, tỉnh thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, tạo tiền đề trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Mục tiêu đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có đời sống cao, hạnh phúc…

>> Chủ đầu tư sân golf Thanh Lanh "ôm" hàng trăm ha đất nhưng nộp thuế... nhỏ giọt

Loạt dự án của Tập đoàn Phúc Sơn, Đại Lải, Lạc Hồng… chậm tiến độ ở Vĩnh Phúc

Nóng: Phong tỏa đoạn đường trước nhà Chủ tịch và Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phúc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tinh-be-hat-tieu-se-len-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-giam-15-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-sau-sap-nhap-228106.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỉnh 'bé hạt tiêu' sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập
    POWERED BY ONECMS & INTECH