Đây là dự án vành đai đi qua 8 địa phương miền Bắc và có tổng mức đầu tư tương đương với đường Vành đai 4.
Theo quy hoạch, đường Vành đai 5 sẽ đi qua 8 địa phương gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình với chiều dài khoảng 331km (không bao gồm 41km đi trùng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và Quốc lộ 3), quy mô 4-6 làn xe. Tổng vốn đầu tư lên đến 86.000 tỷ đồng, tương đương với đường Vành đai 4.
Đường Vành đai 5 đoạn qua tỉnh Thái Nguyên có chiều dài gần 29km, có điểm đầu là Quốc lộ 37 (thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình), sau khi vượt qua sông Cầu đến nút giao Yên Bình dài 10km sẽ đến đoạn đi trùng với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dài 12km cùng quốc lộ 3 cũ dài 2,5km. Tiếp tục, con đường này theo hướng Tây Nam sẽ đến đèo Nhởn, qua TP. Sông Công, vượt dãy Tam Đảo đến tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong 29km đường Vành đai 5 qua tỉnh Thái Nguyên, có 10km từ quốc lộ 37 - nút giao Yên Bình (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) được thi công từ cuối năm 2021 đến nay đã cơ bản hoàn thành. Tổng mức đầu tư đoạn đường trên là hơn 1.000 tỷ đồng.
>> Hà Nội chuẩn bị ‘bấm nút’ khởi công cây cầu gần 10.000 tỷ
Tuyến đường được thiết kế là tuyến đường ô tô cấp 2, vận tốc thiết kế 100km/giờ với các hạng mục hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước, vỉa hè, cây xanh… được xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết khu dân cư hiện có.
Hiện tuyến đường có lượng phương tiện giao thông khá ít, chủ yếu được người địa phương sử dụng. Phần lớn hai bên xung quanh là đất canh tác của người dân và có đi qua nhiều khu dân cư và một số khu, cụm công nghiệp, đô thị.
Tuyến đường 10km cơ bản hoàn thành đã giúp kết nối cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với Quốc lộ 37 và tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, đoạn đường Vành đai 5 cũng kết nối các khu vực lân cận với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Quốc lộ 37, tạo cơ sở về hạ tầng giao thông cho phát triển công nghiệp, dịch vụ…
Sau đoạn đi trùng với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và Quốc lộ 3 cũ, đường Vành đai 5 đi tiếp theo hướng Tây Nam đến đèo Nhởn, qua TP. Sông Công, vượt dãy Tam Đảo đến tỉnh Vĩnh Phúc. Tại tuyến này, đường Vành đai 5 chỉ mới được hình thành tại đoạn đầu, khi đi qua Khu công nghiệp Sông Công II với 6 làn xe.
Tương lai, tuyến Vành đai 5 đến tỉnh Vĩnh Phúc khi được hoàn thiện sẽ kết nối đồng bộ với đường Vành đai 5 trên toàn tỉnh Thái Nguyên, tạo động lực cho phát triển kinh tế, từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ Quốc gia và của địa phương.
Thái Nguyên là một tỉnh trung du thuộc vùng Đông Bắc Bộ, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 70km và là tỉnh nằm trong Vùng thủ đô Hà Nội.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 3 cả nước sau TP. Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lũy kế 2 tháng vừa qua, Thái Nguyên đã thu hút gần 462,7 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.