Vĩ mô

Tỉnh có 'kho báu' lớn nhất nước muốn giữ lại 50% nguồn thu từ khoáng sản

Xuân Ngọc 15/05/2025 - 10:22

Sáp nhập với Đắk Nông và Bình Thuận, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ sở hữu 'kho báu' lớn nhất cả nước với nhiều loại khoáng sản quý hiếm. Địa phương này kiến nghị được giữ lại 50% nguồn thu từ khoáng sản và năng lượng để tái đầu tư.

Ưu tiên đầu tư hạ tầng, cao tốc và công nghệ thông tin

Ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông sẽ hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới mang tên Lâm Đồng. Trung tâm chính trị - hành chính dự kiến đặt tại TP Đà Lạt.

Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích hơn 24.233 km2, lớn nhất cả nước với địa bàn rộng, địa hình trải dài từ cao nguyên đến ven biển. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông đường bộ và công nghệ thông tin vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển vùng liên kết.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương ưu tiên đầu tư hạ tầng, có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, cơ chế phân cấp quản lý phù hợp với đặc điểm vùng miền, từ đó tạo điều kiện để phát triển đồng bộ và hài hòa.

W-Da Lat tren cao 1.jpg
Một góc TP Đà Lạt, trung tâm của tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Xuân Ngọc

Trong đó, tỉnh đề xuất bố trí nguồn lực để cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ huyết mạch như quốc lộ 20, quốc lộ 27, quốc lộ 28 và 28B, quốc lộ 55, nhằm kết nối các vùng kinh tế trọng điểm.

Bên cạnh đó, địa phương này cũng cho rằng cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án cao tốc, gồm: cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (trục Bắc - Nam); cao tốc Nha Trang - Đà Lạt; cao tốc Bình Thuận - Đắk Nông (trục Đông - Tây).

Khi các tuyến cao tốc này hoàn thiện, không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển mà còn mở rộng không gian phát triển, hình thành hành lang kinh tế chiến lược kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ.

Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, phục vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử. Trong điều kiện có tới 124 xã và địa hình phân tán, phát triển hạ tầng số là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân

Kiến nghị giữ lại 50% nguồn thu khoáng sản để phát triển

Một điểm nổi bật sau sáp nhập là Lâm Đồng mới sẽ nắm giữ nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú nhất cả nước, trong đó có nhiều loại quý hiếm, giá trị kinh tế cao.

Theo thống kê, tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 1 tỷ tấn bauxite, 380 điểm quặng kim loại và phi kim loại, 7 điểm sapphire, 38 mỏ nước khoáng.

Trong khi đó, Đắk Nông sở hữu khoảng 1,78 tỷ tấn bauxite, chiếm hơn 57% tổng trữ lượng bauxite toàn quốc.

W-Khu công nghiệp Nhân Cơ, nơi đặt Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông.jpg
Khu công nghiệp Nhân Cơ, nơi đặt Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông. Ảnh: Xuân Ngọc

Còn tỉnh Bình Thuận được mệnh danh là “vựa titan” quốc gia với khoảng 599 triệu tấn titan sa khoáng (chiếm 92% cả nước), cùng hàng loạt mỏ cát thủy tinh, bentonit, zircon, thiếc, vàng, nước khoáng bicarbonat.

Đặc biệt, vùng ngoài khơi Bình Thuận có nhiều mỏ dầu khí lớn như Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Rạng Đông đang được khai thác với sản lượng cao. Chính phủ định hướng xây dựng nơi đây thành trung tâm dự trữ dầu khí quốc gia trong tương lai.

Trên cơ sở đó, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị cho phép giữ lại tối thiểu 50% nguồn thu từ khoáng sản và năng lượng để tái đầu tư vào hạ tầng giao thông, công nghệ, giáo dục, y tế. Đây được xem là “cơ chế tài chính đặc thù” tạo đà cho địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Nếu được Trung ương đồng thuận các kiến nghị trên, tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập có cơ hội trở thành trung tâm khoáng sản và năng lượng của quốc gia, đồng thời là mô hình phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số và đô thị thông minh ở Tây Nguyên.

Với chiến lược đầu tư bài bản, cơ chế tài chính đặc thù và định hướng phát triển bền vững, Lâm Đồng không chỉ phát huy được “kho báu tài nguyên” sẵn có mà còn đóng góp lớn hơn cho ngân sách quốc gia, tạo động lực tăng trưởng mới cho toàn vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.

>> Phan Thiết trước cuộc sáp nhập Lâm Đồng thành tỉnh rộng nhất Việt Nam

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm làm Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng

Trước khi sáp nhập với Đắk Nông và Bình Thuận, Lâm Đồng phát triển ra sao trong quý I/2025?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tinh-co-kho-bau-lon-nhat-nuoc-muon-giu-lai-50-nguon-thu-tu-khoang-san-2401183.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỉnh có 'kho báu' lớn nhất nước muốn giữ lại 50% nguồn thu từ khoáng sản
    POWERED BY ONECMS & INTECH