Tỉnh đông dân nhất Việt Nam muốn chi hơn 8.000 tỷ nâng tầm quốc tế cho sân bay 60 năm tuổi
Tỉnh này hiện đang họp và cho ý kiến về đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay 60 năm tuổi, mục tiêu nâng tầm quốc tế với quy mô 5 triệu khách.
Ngày 17/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã cho ý kiến về Đề án xã hội hóa đầu tư và khai thác Cảng hàng không Thọ Xuân.
Theo như tờ trình đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Thọ Xuân của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa, sau hơn 10 năm đưa vào khai thác, sân bay Thọ Xuân đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh này.
Trong vài năm trở lại đây, lượng khách qua Cảng hàng không Thọ Xuân đã vượt công suất thiết kế (năm 2022 cao nhất đạt 1,5 triệu hành khách/năm, vượt 25% công suất).
Cảng hàng không Thọ Xuân sẽ được nâng tầm quốc tế, có thể đón 5 triệu khách/năm. Ảnh: Internet |
Giữa bối cảnh nhà ga T2 hiện chưa được triển khai đầu tư, đường lăn, đường cất hạ cánh đã khai thác trên 40 năm, chất lượng mặt đường băng và khả năng chịu lực trong tình trạng xuống cấp và hư hỏng nhiều.
>> Tỉnh lớn nhất Nam Bộ khởi công loạt dự án hơn 40.000 tỷ, động thổ tuyến cao tốc đầu tiên
Theo quy hoạch, Cảng hàng không Thọ Xuân được xác định là cảng hàng không quốc tế, có chức năng dự bị cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, có tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân sự và quân sự.
Sân bay Thọ Xuân được quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đạt cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, với 2 đường cất hạ cánh đáp ứng công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm.
Một góc tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Internet |
Theo tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa, Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch giai đoạn 2021-2030 với công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm. Việc đầu tư phát triển hạ tầng nhằm đảm bảo khả năng khai thác theo quy hoạch, bao gồm việc xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và nhà ga T2.
Tổng quy mô và nhu cầu vốn đầu tư cho việc nâng cấp, mở rộng khai thác cảng ước tính khoảng 8.200 tỷ đồng. Cụ thể:
Nhà ga T1 sẽ được cải tạo, nâng cấp, đạt công suất 1,5 triệu lượt hành khách/năm, đồng thời kết nối đồng bộ với nhà ga T2 xây dựng mới.
Sân đỗ tàu bay sẽ được mở rộng lên 16 vị trí, đảm bảo đáp ứng công suất khai thác 5 triệu lượt hành khách/năm theo quy hoạch.
Sân bay Thọ Xuân được xây dựng vào năm 1965 với mục đích ban đầu là phục vụ cho quân sự. Vì vậy, cái tên đầu tiên của nơi đây là sân bay quân sự Sao Vàng - dưới quyền quản lý của Trung đoàn tiêm kích Bom 923. Đến ngày 5/2/2013, chuyến bay dân sự đầu tiên xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM) đã hạ cánh tại sân bay Thọ Xuân. Đây cũng là sự kiện đánh dấu thời kỳ phát triển mới cho sân bay này - thời kỳ phục vụ cả mục đích dân dụng.
Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất chủ trương đầu tư nâng cấp hạ tầng Cảng hàng không Thọ Xuân.
Phương án đầu tư sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa kết hợp với nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Thanh Hóa cũng như phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.
Nhằm khai đề án một cách khả thi, cần giải quyết triệt để các vấn đề then chốt như: xử lý tài sản trên đất hiện có tại Cảng hàng không Thọ Xuân; thiết lập cơ chế phối hợp nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động bay, đặc biệt trong trường hợp tàu bay từ đường cất hạ cánh số 2 lăn qua đường cất hạ cánh số 1; đồng thời, phải tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan đến việc bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Việc nâng cấp sân bay Thọ Xuân nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ảnh minh họa |
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa - ông Nguyễn Doãn Anh nhấn mạnh rằng Cảng hàng không Thọ Xuân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh. Cảng không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa mà còn là động lực thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa được giao nhiệm vụ chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh đề án.
UBND tỉnh cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong việc xử lý tài sản trên đất và bố trí nguồn vốn đầu tư, nhằm đảm bảo việc triển khai đề án diễn ra đúng tiến độ và đạt được hiệu quả cao nhất.
Thanh Hóa là tỉnh ven biển cực Bắc vùng Bắc Trung Bộ, miền Trung Việt Nam. Với dân số 3,72 triệu người (số liệu năm 2022), Thanh Hóa là tỉnh đông dân nhất Việt Nam, chỉ sau 2 thành phố trực thuộc Trung ương là TP. HCM và Hà Nội. Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng; công nghiệp năng lượng; chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn.
Đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu trở thành một cực tăng trưởng mới của cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh có công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước...
Để thực hiện những mục tiêu này, tỉnh cũng tiến hành quy hoạch trong từng lĩnh vực, một trong số đó là phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông với việc đưa sân bay Thọ Xuân thành sân bay quốc tế của tỉnh cũng như của miền Trung. Đây là một trong những nội dung nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.