Bất động sản

Tỉnh dự kiến lên TP trực thuộc Trung ương sau sáp nhập sẽ xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, quy mô dân số đạt 560.000 người

Chi Chi 03/05/2025 08:00

Trên diện tích khoảng 23.242ha, đô thị được xây dựng có tính chất là Đô thị di sản thiên niên kỷ, Trung tâm du lịch cấp quốc gia và quốc tế.

Ngày 26/4/2025, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040.

Theo đó, phạm vi ranh giới lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hoa Lư, xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn, xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính các xã Gia Tân thuộc huyện Gia Viễn, phường Tân Bình và xã Yên Sơn thuộc thành phố Tam Điệp, xã Phúc Sơn và xã Quỳnh Lưu thuộc huyện Nho Quan, xã Khánh Thượng thuộc huyện Yên Mô.

Tỉnh dự kiến lên TP trực thuộc Trung ương sau sáp nhập sẽ xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, quy mô dân số đạt 560.000 người- Ảnh 1.
Ninh Bình quy hoạch đô thị di sản. Ảnh: Internet

Quy mô lập quy hoạch khoảng 23.242ha; với tính chất là Đô thị di sản thiên niên kỷ, Trung tâm du lịch cấp quốc gia và quốc tế, Trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức sự kiện lớn của quốc gia và quốc tế, Trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, du lịch và dịch vụ của tỉnh Ninh Bình.

Dự báo phát triển quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 410.000 - 430.000 người; dân số đến năm 2040 đạt khoảng 540.000 - 560.000 người. Về nhu cầu đất đai đến năm 2030, diện tích đất xây dựng khoảng 10.500 - 11.400ha; đến năm 2040 diện tích đất xây dựng khoảng 13.700 - 14.600ha.

Đồ án quy hoạch chung mới của tỉnh xác định rõ định hướng phát triển Ninh Bình thành đô thị di sản. Cấu trúc không gian đô thị được chia thành 1 trung tâm, 2 vùng và 5 khu vực, tập trung khai thác giá trị nổi bật của Quần thể danh thắng Tràng An và Di tích Cố đô Hoa Lư.

Khu trung tâm đô thị sẽ phát triển về phía Đông, tập trung các chức năng hành chính, chính trị, văn hóa cấp tỉnh và đô thị tổng hợp cho thành phố Hoa Lư. Trong khi đó, khu vực lõi Tràng An đóng vai trò bảo tồn di sản và kết nối các hoạt động du lịch, dịch vụ giá trị cao.

>> Sau sáp nhập 3 tỉnh, vì sao trung tâm hành chính đặt tại Ninh Bình?

Tỉnh dự kiến lên TP trực thuộc Trung ương sau sáp nhập sẽ xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, quy mô dân số đạt 560.000 người- Ảnh 2.
Khu vực lõi Tràng An đóng vai trò bảo tồn di sản và kết nối các hoạt động du lịch, dịch vụ giá trị cao. Ảnh: Internet

Các vành đai dịch vụ sinh thái như khu vực Bái Đính và Bến Đang sẽ trở thành trung tâm dịch vụ hỗn hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Đây là những vùng đệm quan trọng, vừa bảo tồn cảnh quan sinh thái, vừa phát triển các loại hình du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng cao cấp.

Khu vực sinh thái đô thị được quy hoạch làm vùng chuyển tiếp giữa vùng lõi di sản với khu vực đô thị hóa, kết hợp dân cư với sản xuất nông nghiệp, góp phần giữ gìn bản sắc nông thôn và phát triển bền vững.

Theo quy hoạch, toàn bộ đô thị sẽ được phát triển với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ. Đô thị Ninh Bình tương lai sẽ là một tổng thể cảnh quan sinh thái độc đáo, khai thác tối đa lợi thế núi đá, sông ngòi, cây xanh và mặt nước. Các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, đường thủy sẽ được tích hợp hài hòa trong không gian đô thị.

Đặc biệt, Ninh Bình hướng tới phát triển các khu đô thị mới gắn với đầu mối giao thông công cộng khối lượng lớn. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh và ứng dụng công nghệ hiện đại cũng được chú trọng nhằm bảo đảm tính bền vững.

Song song với phát triển đô thị, tỉnh tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp. Hiện địa phương có 5 khu công nghiệp và 19 cụm công nghiệp đang hoạt động. Ninh Bình đang đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch mới, mở rộng quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sản xuất ô tô, điện tử và du lịch.

Các khu công nghiệp như Phúc Sơn, Gián Khẩu (mở rộng), Trung Sơn, Khánh Hải I và II sẽ được hoàn thiện hạ tầng trong thời gian tới. Đồng thời, các cụm công nghiệp mới như Ninh Vân, Khánh Lợi II và Chất Bình cũng được đưa vào kế hoạch quy hoạch.

Với tầm nhìn đến năm 2040, quy hoạch lần này không chỉ nhằm chỉnh trang và mở rộng đô thị, mà còn thể hiện quyết tâm phát triển Ninh Bình trở thành một đô thị di sản kiểu mẫu – nơi di sản được bảo tồn trong sự giao thoa với hiện đại, phục vụ tốt nhất cho người dân và thu hút du khách quốc tế.

Theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024, danh mục các tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2030 bao gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Quyết định 759/QĐ-TTg mới đây, Thủ tướng vẫn giữ định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập đối với các tỉnh đã được định hướng trước đó.

Như vậy, 4 tỉnh Khánh Hoà, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Ninh Bình sau sáp nhập vẫn tiếp tục định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương.

>> Sau sáp nhập, tỉnh mới sở hữu ngôi chùa lớn nhất thế giới làm tuyến đường 7.000 tỷ kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm

Chỉ 2 tháng nữa, tỉnh duy nhất Việt Nam sở hữu 2 đô thị loại I sẽ xóa tên 3 TP trực thuộc khỏi bản đồ hành chính

Tỉnh sẽ sáp nhập với TP lớn thứ hai miền Bắc sắp có khu đô thị sân golf hơn 11.000 tỷ

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/tinh-du-kien-len-tp-truc-thuoc-trung-uong-sau-sap-nhap-se-xay-dung-do-thi-di-san-thien-nien-ky-quy-mo-dan-so-dat-560000-nguoi-202250502173100474.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỉnh dự kiến lên TP trực thuộc Trung ương sau sáp nhập sẽ xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, quy mô dân số đạt 560.000 người
    POWERED BY ONECMS & INTECH