Tỉnh duy nhất có cả đường biên giới với Trung Quốc và Lào sẽ lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn

30-01-2024 05:52|Mai Chi

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh này sẽ là tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng.

Đặc biệt, Điện Biên sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030, du lịch đóng góp trên 10% GRDP của tỉnh. Đến năm 2050, Điện Biên là trọng điểm du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái quốc gia hướng tới đẳng cấp quốc tế, phát triển mạnh dịch vụ thương mại và vùng biên giới ổn định, vững chắc. Các hướng phát triển du lịch chủ đạo của tỉnh có thể kể đến như:

Du lịch lịch sử văn hóa: Nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung khai thác nhu cầu du lịch lịch sử gắn với khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ.

Du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên: Du lịch sinh thái gắn với hồ, rừng; chinh phục đỉnh A Pa Chải (huyện Mường Nhé), đỉnh núi Phù Lồng (huyện Điện Biên Đông); vượt đèo Pha Đin,...

Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe: Nghỉ dưỡng hồ (hồ Pá Khoang, lòng hồ thị xã Mường Lay); nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tắm khoáng nóng (U Va, Hua Pe, suối khoáng nóng Bản Sáng).

Phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ như: Du lịch biên mậu (gắn với cột mốc A Pa Chải, cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cửa khẩu Huổi Puốc); du lịch thương mại, công vụ; du lịch nông nghiệp gắn với các sản phẩm OCOP, nghề truyền thống, bản văn hóa du lịch cộng đồng...

Tỉnh duy nhất có cả đường biên giới với Trung Quốc và Lào sẽ lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn
Điện Biên sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

>> Bình Định sắp đón hàng chục tỷ phú USD trong và ngoài nước

Về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, tỉnh Điện Biên phát triển theo mô hình cấu trúc không gian 4 trục động lực - 3 vùng kinh tế - 4 cực tăng trưởng.

Trục kinh tế động lực theo quốc lộ 279, tuyến cao tốc Điện Biên - Sơn La - Hà Nội, gắn với cảng hàng không Điện Biên: Là trục động lực chính, quan trọng của toàn vùng; là tuyến giao thông tạo sự kết nối mạnh mẽ, thông suốt giữa tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc, các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc cũng như sang nước bạn Lào thông qua cửa khẩu Tây Trang, cửa khẩu Huổi Puốc.

Trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 12: Là trục kết nối giữa khu vực phía Bắc với khu vực phía Nam tỉnh và kết nối sang Lào thông qua cửa khẩu Huổi Puốc, cửa khẩu Tây Trang; tác động trực tiếp đến không gian phát triển của huyện Mường Chà, thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ.

Trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 6: Là trục kết nối thị xã Mường Lay với khu vực huyện Tuần Giáo và các tỉnh, thành phố phía Đông Nam (Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội); kết hợp với các tuyến đường tỉnh 139, đường tỉnh 146, đường tỉnh 149B tạo thành trục vành đai phía Đông của tỉnh liên kết các huyện, tăng cường giao lưu giữa khu vực phía Bắc và phía Nam của tỉnh.

Trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 4H kết nối với vùng phía Tây của tỉnh: Là trục giao thông quan trọng góp phần phát triển du lịch và thương mại dịch vụ, kết nối với Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và cửa khẩu A Pa Chải sang Trung Quốc; có tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thị trấn huyện Nậm Pồ, thị trấn Mường Nhé và thị trấn Mường Chà.

Tỉnh duy nhất có cả đường biên giới với Trung Quốc và Lào sẽ lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn
Di tích Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hầm Đờ Cát)

Vùng kinh tế I (vùng kinh tế động lực): Bao gồm thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông; là vùng động lực phát triển đa dạng các lĩnh vực: Nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ…

Vùng kinh tế II: Bao gồm huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo và huyện Mường Ảng; là vùng tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, du lịch.

Vùng kinh tế III: Bao gồm huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ, huyện Mường Chà và thị xã Mường Lay; là vùng tập trung phát triển nông lâm nghiệp và thuỷ sản, du lịch thương mại dịch vụ.

Bốn cực tăng trưởng của tỉnh Điện Biên gồm TP. Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo, thị trấn Mường Nhé.

Điện Biên là tỉnh duy nhất của Việt Nam có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung với tổng cộng 455km, trong đó: Đường biên giới tiếp giáp với Lào là 414,712km; với Trung Quốc là 40,86km; có đường giao thông đi các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

>> Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam có hàng loạt biến động trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030

Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam có hàng loạt biến động trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thừa Thiên Huế duyệt quy hoạch khu vực hơn 3.000ha

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tinh-duy-nhat-co-ca-duong-bien-gioi-voi-trung-quoc-va-lao-se-lay-du-lich-lam-nganh-kinh-te-mui-nhon-221651.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tỉnh duy nhất có cả đường biên giới với Trung Quốc và Lào sẽ lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn
POWERED BY ONECMS & INTECH