Du ngoạn

Tỉnh duy nhất có hai sân bay và một thành phố đảo quyết tâm trở thành trung tâm du lịch quốc tế đẳng cấp

Linh Chi 26/08/2024 11:09

Kiên Giang quyết tâm trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về phát triển du lịch tại Việt Nam, với mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch quốc tế đẳng cấp.

Kiên Giang đặt tham vọng lớn

Gần đây, Phú Quốc đã được 186.000 độc giả quốc tế của tạp chí Travel+Leisure bình chọn là hòn đảo tuyệt vời thứ hai trên thế giới năm 2024, chỉ sau Maldives. Đối với những người yêu thiên nhiên và biển cả, điều này không quá bất ngờ. Với 150km đường bờ biển và nhiều bãi biển đẹp kéo dài từ Bắc đến Nam, Phú Quốc đã chứng tỏ sức hút của mình.

Trong nhiều năm qua, Phú Quốc đã trở thành điểm đến hấp dẫn cả với du khách trong nước và quốc tế. Truyền thông quốc tế liên tục khen ngợi và trao giải thưởng cho hòn đảo xinh đẹp này, tạo điều kiện thuận lợi để Phú Quốc mở rộng ảnh hưởng toàn cầu và xây dựng thương hiệu vững chắc.

Phú Quốc là điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Ảnh: Vietnam+

Phú Quốc là điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Ảnh: Vietnam+

Nhằm phát huy lợi thế đó, Kiên Giang quyết tâm trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về phát triển du lịch tại Việt Nam, với mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch quốc tế đẳng cấp. Cụ thể, Kiên Giang hướng tới việc du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, đón 10,7 triệu lượt khách (bao gồm 900.000 lượt khách quốc tế) và đạt tổng doanh thu 38.000 tỷ đồng, đóng góp trên 13% GRDP.

Đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành liên quan. Mục tiêu là đón 23,6 triệu lượt du khách (trong đó có 1,66 triệu lượt khách quốc tế), đạt tổng doanh thu từ du lịch 105.000 tỷ đồng, đóng góp trên 17,5% GRDP.

Kiên Giang. Ảnh: Báo Chính phủ

Kiên Giang. Ảnh: Báo Chính phủ

Mở rộng thị trường quốc tế và xác định thị trường nguồn tiềm năng

Để đạt được mục tiêu, Kiên Giang đang tái cấu trúc ngành du lịch để phù hợp với xu hướng phát triển quốc gia và thu hút đầu tư quốc tế. Tỉnh sẽ tập trung vào việc nâng cao tỷ lệ khách từ châu Âu, phát triển thị trường Đông Nam Á thành trọng điểm, khai thác ổn định nguồn khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời mở rộng thị trường mới từ Ấn Độ và Trung Đông.

Ngoài ra, Phú Quốc sẽ phát triển du lịch một cách toàn diện, không chỉ tập trung vào Phú Quốc mà còn tăng cường phát triển ba vùng du lịch trọng điểm: Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận, Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và phụ cận, U Minh Thượng và phụ cận.

Cảng An Thới, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Cảng An Thới, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Đối với khách nội địa, Kiên Giang đặt mục tiêu đạt 47% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030 trong tổng số khách nội địa. Tỉnh cũng sẽ tập trung khai thác khách từ các tỉnh, thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, và mở rộng khách từ vùng Tây Nguyên, kết nối phát triển với Đà Lạt (Lâm Đồng) bằng cách tăng cường chuyến bay giữa Lâm Đồng và Phú Quốc.

Kiên Giang cũng sẽ rà soát và tái cấu trúc các sản phẩm du lịch để làm mới, mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Với lợi thế về biển và hệ sinh thái đa dạng, tỉnh phát triển sản phẩm tham quan hệ sinh thái địa hình karst, nghiên cứu về bò biển (dugong), cá heo, đồi mồi trong môi trường tự nhiên, và du lịch sinh thái tại rừng nhiệt đới trên đảo Phú Quốc.

Một góc dự án lấn biển tại TP.Rạch Giá. Ảnh: Thanh niên

Một góc dự án lấn biển tại TP.Rạch Giá. Ảnh: Thanh niên

Bên cạnh đó, xu hướng thể thao nghỉ dưỡng trong rừng, thể thao mạo hiểm và nghiên cứu khoa học cũng sẽ được chú trọng. Các sản phẩm du lịch sẽ được gắn với Vườn Quốc gia Phú Quốc và Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Phú Mỹ (huyện Giang Thành), Hà Tiên và quần đảo Hải Tặc.

Về văn hóa địa phương, Kiên Giang sẽ khai thác giá trị văn hóa biển của cộng đồng cư dân trên các đảo tại Nam Du, Lại Sơn (huyện Kiên Hải), quần đảo Bà Lụa (huyện Kiên Lương), quần đảo Hải Tặc (thành phố Hà Tiên) và văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, từ đó hình thành sản phẩm du lịch trải nghiệm cuộc sống hàng ngày, văn hóa và tín ngưỡng gắn với cộng đồng.

Núi Đèn, TP.Hà Tiên. Ảnh: Thanh niên

Núi Đèn, TP.Hà Tiên. Ảnh: Thanh niên

Kiên Giang cũng sở hữu nhiều di tích lịch sử như Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Kiên Giang (huyện U Minh Thượng), Đình thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (thành phố Rạch Giá), Di tích lịch sử và thắng cảnh Ba Hòn (huyện Hòn Đất), Di tích Nền Chùa (huyện Hòn Đất), Chùa Hang (huyện Kiên Lương) và Hà Tiên thập cảnh (thành phố Hà Tiên). Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh và lễ hội truyền thống.

Một yếu tố quan trọng khác là lao động du lịch. Kiên Giang mong muốn tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030, xây dựng đội ngũ lao động du lịch chất lượng cao, tích cực quảng bá nhằm thu hút đầu tư và du khách, gia tăng số lượng cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ, và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Hiện nay, Kiên Giang là tỉnh duy nhất ở Việt Nam có hai sân bay là Sân bay Quốc tế Phú Quốc, Sân bay Rạch Giá, và một thành phố đảo là thành phố Phú Quốc.

>>Tỉnh có 'kho báu' 5 tỷ USD sắp có tổ hợp du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp, sức chứa lên đến 3.000 du khách

Tỉnh có khu kinh tế lâu đời nhất Việt Nam sẽ đón nhà máy xử lý rác kết hợp phát điện vào năm 2026

Tỉnh có 'thác nước đẹp bậc nhất thế giới' của Việt Nam chuẩn bị tổ chức sự kiện quan trọng của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/tinh-duy-nhat-co-hai-san-bay-va-mot-thanh-pho-dao-quyet-tam-tro-thanh-trung-tam-du-lich-quoc-te-dang-cap-d131251.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tỉnh duy nhất có hai sân bay và một thành phố đảo quyết tâm trở thành trung tâm du lịch quốc tế đẳng cấp
POWERED BY ONECMS & INTECH