Tỉnh duy nhất Việt Nam sở hữu cả sân bay quốc tế, sân bay nội địa và cảng biển sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia
Theo quy hoạch, đến năm 2050, địa phương này sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia và cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1289/QĐ-TTg ngày 3/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm cụ thể hóa các phương án quy hoạch ngành, lĩnh vực được tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Cụ thể, Phó Thủ tướng phân công trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương và địa phương, phân kỳ đầu tư các dự án bảo đảm thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh. Đồng bộ hệ thống các quy hoạch trên địa bàn tỉnh, bảo đảm sự thống nhất giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Đồng thời, địa phương xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Đến năm 2025, địa phương rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
>> Đường đèo 155 triệu USD nối liền Gia Lai và Bình Định đang gặp phải 'nút thắt' tiến độ
Trong năm 2024-2025, tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục rà soát bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; thông báo công khai danh mục các quy hoạch được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh hết hiệu lực theo quy định tại Điều 59 Luật Quy hoạch.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm kinh tế biển của quốc gia.
Cũng theo quy hoạch, các thành phố: Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển.
Đáng chú ý, TP. Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; TP. Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; thành phố Hà Tiên là đô thị di sản.
Giai đoạn sau năm 2030, tỉnh sẽ thành lập Khu kinh tế ven biển Rạch Giá. Ngoài ra, địa phương sẽ thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Kiên Giang bao gồm Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và khu vực cửa khẩu Giang Thành.
Đến năm 2050, Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia và cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng. TP. Phú Quốc sẽ là trung tâm dịch vụ du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc, với nhiều giá trị khác biệt, đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di sản, lịch sử của tỉnh được bảo tồn và thể hiện rõ nét.
Để đảm bảo tiến độ quy hoạch, tỉnh Kiên Giang cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công nhằm phát huy hiệu quả công trình, dự án mang lại; lấy đầu tư công kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội; ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư các dự án, gồm: Nông nghiệp, thủy sản (Khu nông nghiệp - thủy sản ứng dụng công nghệ cao); các cụm nhà máy chế biến sâu, chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao gắn với các vùng nguyên liệu; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng khu kinh tế; lấn biển, đảo nhân tạo; khu thương mại - dịch vụ và du lịch...
Hiện nay, nhiều tỉnh thành ở Việt Nam có sân bay quốc tế, sân bay nội địa hoặc cảng biển. Tuy nhiên, tỉnh Kiên Giang là địa phương duy nhất nước ta sở hữu đầy đủ cả ba loại hạ tầng này.
Cụ thể, tỉnh Kiên Giang đang sở hữu sân bay Quốc tế Phú Quốc; sân bay Rạch Giá và một số cảng biển như cảng Linh Huỳnh (huyện Hòn Đất), cảng xã Tiên Hải (TP. Hà Tiên), cảng xã đảo Sơn Hải và Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương), cảng Xẻo Nhàu (huyện An Minh)...
>> Bắc Giang ‘đu trend’ nóng cùng đất ‘cõi âm’, chuyển hơn 145ha rừng để xây công viên tâm linh
Chiêm ngưỡng ngôi làng độc lạ nhất Việt Nam, được quy hoạch theo hình bát quái
‘Thủ phủ’ công nghiệp miền Bắc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị từng được FLC cam kết đầu tư