Tỉnh miền Bắc sở hữu đường bờ biển dài 56km sẽ có sân bay, tuyến đường sắt và phân thành 3 vùng phát triển

20-02-2024 00:12|Hải Yến

Theo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến tỉnh miền Bắc này sẽ có sân bay, tuyến đường sắt hơn 100km và phân thành 3 vùng phát triển.

2030 trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng

Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1735/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức trở thành nhân tố nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao...

Trung tâm thành phố Thái Bình. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - UBND tỉnh Thái Bình

Trung tâm thành phố Thái Bình. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - UBND tỉnh Thái Bình

Đồng thời, đến năm 2050 Thái Bình là tỉnh phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao…

Đáng chú ý, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nhiều nội dung thu hút sự chú ý của người dân.

Theo quy hoạch được duyệt, tỉnh Thái Bình sẽ có sân bay chuyên dụng ven biển Thái Bình. Vị trí xây dựng tại huyện Tiền Hải với mục tiêu phục vụ du lịch, an ninh - quốc phòng, cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Được biết, theo thuyết minh quy hoạch Thái Bình trong giai đoạn ngắn hạn, đường hàng không cho khu kinh tế và toàn tỉnh Thái Bình sẽ sử dụng cảng hàng không quốc tế Cát Bi - Hải Phòng làm trung tâm vận chuyển hành khách và kết nối các hoạt động logistics theo đường hàng không.

Dự kiến sau năm 2030, Thái Bình sẽ có sây bay chuyên dụng. Ảnh: Minh họa

Dự kiến sau năm 2030, Thái Bình sẽ có sây bay chuyên dụng. Ảnh: Minh họa

Sau năm 2030, khi hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế ven biển, các khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp, khu thương mại dịch vụ logictics ven biển, tỉnh Thái Bình sẽ có sân bay, hình thành khu cụm cảng hàng không lưỡng dụng phục vụ du lịch, cứu hộ, cứu nạn, an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển tỉnh Thái Bình. Cụm cảng hàng không ở Thái Bình này gồm các điểm đáp trực thăng, các bãi đáp thủy phi cơ ven biển Thái Bình.

Một điểm đáng chú ý khác, hiện tại Thái Bình hoàn toàn không có tuyến đường sắt nào chạy qua. Tuy nhiên, theo quy hoạch được phê duyệt, dự kiến Thái Bình sẽ có 101 km đường sắt. Cụ thể: Tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Thái Bình thuộc tuyến Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long dài khoảng 37km). Phương án phát triển đường sắt tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2023 tầm nhìn đến năm 2050 nằm trong tuyến đường sắt quốc gia và thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, theo quy hoạch được duyệt, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Bình được tổ chức theo mô hình đô thị đa cực gồm đô thị trung tâm và các đô thị tiểu vùng.

Phối cảnh Khu kinh tế Thái Bình

Phối cảnh Khu kinh tế Thái Bình

Cùng với đó, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh Thái Bình đạt 35% trở lên; Hệ thống đô thị tỉnh Thái Bình có 25 đô thị gồm 01 đô thị loại I; 01 đô thị loại III; 05 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V. Như vậy, theo quy hoạch được duyệt, Thái Bình sẽ có thêm 5 đô thị so với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 2/2021.

Cụ thể gồm Đô thị Thái Thụy (đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại III trên cơ sở toàn huyện Thái Thụy); Đô thị Trà Giang, huyện Kiến Xương (đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại V, nằm trong ranh giới mở rộng thành phố Thái Bình); Đô thị Nam Trung, huyện Tiền Hải (đến năm 2020 đạt tiêu chí đô thị loại V); Đô thị Cộng Hòa, Hồng Minh, huyện Hưng Hà (đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại V).

Một điểm đáng chú ý khác, trên cơ sở địa lý tự nhiên, đặc điểm dân cư và văn hóa xã hội, điều kiện, trình độ phát triển và dự báo khả năng phát triển, tỉnh Thái Bình phân thành 3 vùng:

- Vùng trọng điểm gồm thành phố Thái Bình và các huyện Đông Hưng, Kiến Xương, Vũ Thư

- Vùng động lực chủ đạo bao gồm huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải

- Vùng kinh tế ngoại biên bao gồm huyện Hưng Hà, huyện Quỳnh Phụ

'Quê lúa' phía Bắc với những điểm đến gần như còn nguyên vẹn

Với đường bờ biển dài 56km, nơi đây sở hữu những bãi biển hoang sơ, bình yên cùng nhiều di tích lịch sử lâu đời cùng nền văn hóa đặc sắc.

Đến với Thái Bình, bạn sẽ được cảm nhận cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, không khí trong lành. Chưa dừng lại ở đó, bạn còn được tham gia những lễ hội ý nghĩa, thưởng thức những món ăn ngon, chỉ nơi đây mới có.

Thái Bình quê lúa. Ảnh: UBND Tỉnh Thái Bình

Thái Bình quê lúa. Ảnh: UBND Tỉnh Thái Bình

Dù chịu ảnh hưởng có khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng bên cạnh hai mùa chính là mưa - nắng thì Thái Bình còn sở hữu tiết trời se lạnh vào những tháng cuối năm. Mỗi mùa, Thái Bình sẽ có những nét đẹp thiên nhiên và văn hóa riêng dành cho bạn khám phá.

Thời gian đẹp nhất mà bạn nên đi du lịch Thái Bình vào khoảng từ cuối tháng 12 đến tháng 5 hàng năm. Vào thời điểm này, bạn có thể ngắm những cánh đồng lúa vàng óng. Bạn cũng có thể tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của biển cả nơi đây.

1. Bãi biển Đồng Châu

Bãi biển Đồng Châu

Bãi biển Đồng Châu

Bãi biển Đồng Châu nằm ở xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 30km. Đồng Châu có thể nói là một trong những bãi biển bình yên, hoang sơ và độc đáo bậc nhất của miền Bắc. Bờ cát trải dài 5km, ôm trọn lấy mặt biển mênh mông, êm đềm. Điểm đặc biệt làm nên nét quyến rũ riêng của biển Đồng Châu nằm ở hàng chục chiếc chòi canh nhô lên khỏi mặt nước.

2. Bãi biển Cồn Vành

Bãi biển Cồn Vành

Bãi biển Cồn Vành

Bãi biển Cồn Vành nằm tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải. Không chỉ sở hữu đường bờ biển hoang sơ dài 6km, Cồn Vành còn được thiên nhiên ban tặng cho một hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

3. Khu du lịch sinh thái Cồn Đen

Empty
Khu du lịch sinh thái Cồn Đen

Khu du lịch sinh thái Cồn Đen

Cồn Đen là tên của một khu du lịch sinh thái khá nổi tiếng của tỉnh Thái Bình, nằm tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, cách trung tâm thị trấn Diêm Điền khoảng 15km về phía Nam. Cùng với Cồn Vành, Cồn Đen cũng là một trong hai địa danh đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đồng bằng Sông Hồng vào năm 2004.

4. Nhà thờ Bác Trạch

Nhà thờ Bác Trạch

Nhà thờ Bác Trạch

Trong danh sách những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thái Bình chắc chắn không thể thiếu được cái tên nhà thờ Bác Trạch. Đây là một công trình kiến trúc hoành tráng được khánh thành vào ngày 13 tháng 10 năm 2013. Nhà thờ Bác Trạch cũng chính là một trong những nhà thờ lớn nhất Việt Nam hiện nay. Nó gây ấn tượng với du khách bởi những chi tiết trang trí công phu, cùng hơn 100 bộ cửa lớn nhỏ khác nhau.

>> Tỉnh miền Bắc có diện tích nhỏ nhất Việt Nam sẽ có thêm 2 quận: Là nơi đặt trung tâm Phật giáo đầu tiên của cả nước

Du xuân ngôi chùa linh thiêng ở Thái Bình, ngắm gác chuông gỗ cao nhất Việt Nam

Thành cổ 900 tuổi dựng hoàn toàn bằng đá bazan, được ví như ‘Venice của Thái Bình Dương’

Tỉnh miền Bắc đầu tư hơn 432.000 tỷ đồng để nâng tầm du lịch, phát triển thành phố lớn thứ 3 của tỉnh trở thành 'kinh đô ánh sáng vùng biên'

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/tinh-mien-bac-so-huu-duong-bo-bien-dai-56km-se-co-san-bay-tuyen-duong-sat-va-phan-thanh-3-vung-phat-trien-d116386.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tỉnh miền Bắc sở hữu đường bờ biển dài 56km sẽ có sân bay, tuyến đường sắt và phân thành 3 vùng phát triển
POWERED BY ONECMS & INTECH