Tỉnh miền Trung sắp lên TP trực thuộc Trung ương chi hơn 1.700 tỷ xây cảng biển tại cửa ngõ ra biển Đông
Cảng biển này hứa hẹn sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư cho khu vực miền Trung.
Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ khởi công Khu cảng biển Vsico Huế (bao gồm bến số 4 và số 5) thuộc cụm cảng nước sâu Chân Mây. Đây được đánh giá là cửa ngõ thuận lợi nhất và gần nhất ra biển Đông trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Dự án này có tổng mức đầu tư 1.736 tỷ đồng (khoảng hơn 74 triệu USD), do Công ty Cổ phần Hàng hải Vsico triển khai. Khu cảng chiếm diện tích hơn 20ha, với hai bến tàu có tổng chiều dài hơn 540 mét. Mục tiêu chính của Vsico Chân Mây là xây dựng hạ tầng cầu cảng, kho bãi, và trang thiết bị hiện đại để cung cấp dịch vụ xếp dỡ, lưu kho, vận tải hàng hóa và các dịch vụ logistics liên quan.
> > Yếu tố nào giúp kích cầu thị trường BĐS trong thời gian tới?
Cảng biển Vsico đang xây dựng. Ảnh internet
Dự án bao gồm hai cầu cảng phục vụ tàu hàng tổng hợp và container, với khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp tải trọng đến 70.000 tấn và tàu container cỡ lớn đến 4.000TEUs. Khu vực bến container sẽ được trang bị hệ thống cẩu hiện đại với công suất xếp dỡ đạt 60 container/giờ.
Khi hoàn thành, bến số 4 và số 5 sẽ nâng tổng chiều dài cầu cảng khu vực lên 1.450m. Đồng thời, giai đoạn 2 của dự án xây dựng đê chắn sóng dài 750m tại cảng Chân Mây cũng sẽ hoàn thành, đảm bảo điều kiện tiếp nhận các loại tàu hàng, tàu container, và tàu khách cỡ lớn quanh năm, kể cả trong mùa mưa.
Công ty Cổ phần Hàng hải Vsico đặt mục tiêu đưa bến số 4 vào hoạt động vào quý II/2025, và bến số 5 vào đầu năm 2026. Sau khi hoàn thành, cảng dự kiến sẽ thông qua khoảng 5 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi năm, và với tàu container, dự kiến sản lượng sẽ đạt 80.000 - 100.000TEUs mỗi năm.
Cảng biển Vsico Huế là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế biển của tỉnh Thừa Thiên Huế, hứa hẹn sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư cho khu vực miền Trung.
Theo Quyết định số 1745/QĐ-TTg về Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh này đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
> > Nhà ở xã hội gần 10 năm tại Hà Nội được rao bán với giá hơn 4 tỷ đồng/căn