Tỉnh miền Trung Việt Nam chứa "kho báu" 35 tỷ USD lớn nhất ĐNÁ bị bỏ hoang hơn một thập kỷ, có ngôi chùa thiêng tọa lạc trên đỉnh ngọn núi đẹp và hùng vĩ bậc nhất dãy Hồng Lĩnh
Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên, vùng đất này còn sở hữu nền văn hóa, ẩm thực vô cùng độc đáo.
Được hình thành với địa hình đa dạng bậc nhất trong hầu hết các tỉnh thành của nước ta nhờ vị thế tiếp giáp với biển Đông và vùng đồi núi thuộc dãy Trường Sơn, Bắc Trung Bộ nói chung và du lịch Hà Tĩnh nói riêng luôn là điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước.
Sở hữu nhiều phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nên thơ, nhiều di tích gắn liền với các giá trị lịch sử, tâm linh đã giúp Hà Tĩnh nâng tầm du lịch, đã và đang vươn mình trở thành điểm đến lý tưởng. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên, vùng đất này còn sở hữu nền văn hóa, ẩm thực vô cùng độc đáo.
Dưới đây là những điểm đến không thể bỏ lỡ khi đến với Hà Tĩnh:
Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn ở tỉnh Hà Tĩnh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh, thuộc địa phận thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc. Đây là di tích lịch sử ghi dấu tuổi xuân vĩnh cửu của 10 cô gái thanh niên xung phong Đồng Lộc dũng cảm và đã trở thành huyền thoại trong lòng người dân đất Việt.
Ngày 09/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bao thế hệ người Việt Nam. Ngã ba Đồng Lộc được xem là địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân và thế hệ trẻ cả nước, hằng năm có hàng ngàn triệu lượt du khách đến dâng hương tưởng niệm, tri ân, tưởng nhớ.
Chùa Hương Tích
Nằm trên núi Hồng Lĩnh, Chùa Hương Tích là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Hà Tĩnh. Chùa Hương Tích được xây từ thời nhà Trần nên kiến trúc nơi đây mang đậm nét Á Đông cổ điển, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh thắng”.
Đây là một trong những ngôi chùa cổ lâu đời nhất Việt Nam, với niên đại hàng nghìn năm lịch sử. Chùa là một quần thể gồm nhiều di tích văn hóa tôn giáo Việt Nam cổ truyền, với nhiều ngôi chùa thờ Phật, một vài ngôi đền thờ Thần, trong đó cả những ngôi đền mang tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng thờ mẫu.
Đỉnh núi có chùa Hương Tích từng được nhắc đến trong bài thơ nổi tiếng của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp: “Hương Tích Trần Triều Tự/ Hồng Sơn đệ nhất phong/ Di am không bạch thạch/ Cổ chỉ đán thanh tùng” (Hương Tích ngôi chùa đời Trần/ Dựng trên ngọn núi đẹp nhất Ngàn Hống/ Am cũ còn lưu lại đá trắng/ Nền Trang vương xưa chỉ còn những thông xanh).
Kể từ năm 2012, tại đây đã xây dựng hệ thống cáp treo nhằm phục vụ khách du lịch. Tuyến cáp treo bắt đầu từ Ga Miếu Cô và kết thúc tại Ga Hương Tích với thời gian di chuyển mất khoảng 4 phút giúp cho việc lễ chùa được thuận tiện hơn. Những năm trước, lễ hội chùa Hương được tổ chức vào ngày 18/2 âm lịch nhưng những năm gần đây đã chuyển sang ngày mùng 6/1 âm lịch, mở đầu cho năm du lịch của tỉnh Hà Tĩnh.
Khu di tích Nguyễn Du
Khu di tích Nguyễn Du là một quần thể các di tích của dòng họ Nguyễn rộng lớn tọa lạc tại xã Tiên Điền. Quần thể di tích này bao gồm nhiều di tích như đền thờ Đại Vương tiến sĩ Nguyễn Huệ, đền thờ Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng, đàn tế Nguyễn Quỳnh, 2 ngôi nhà Tư văn, khu mộ đại thi hào Nguyễn Du, bảo tàng Nguyễn Du và tượng nhà thờ Nguyễn Du. Khi tới đây, du khách sẽ được tìm hiểu về cuộc đời của đại thi hào Nguyễn Du cũng như dòng họ Nguyễn.
Vườn quốc gia Vũ Quang
Vườn quốc gia Vũ Quang (còn gọi với tên: Vườn quốc gia Vụ Quang) là một vườn quốc gia thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nơi có nhiều loài sinh vật đặc hữu chỉ có ở Việt Nam.
Nơi đây có độ đa dạng sinh học cao, là ngôi nhà của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam. Du khách có thể thám hiểm rừng, leo núi hoặc chụp ảnh khi tới vườn Quốc gia Vũ Quang.
Hồ Kẻ Gỗ
Là hồ nước ngọt lớn nhất của vùng đất Hà Tĩnh, hồ Kẻ gỗ nằm trong quần thể khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Đây là con hồ nằm trên địa phận của huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê và Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh. Đây là hồ nhân tạo cách thành phố Vinh 70Km và được xây dựng trên sông Rào Cái vào năm 1976.
Năm 1979, sau 3 năm xây dựng gian nan hồ Kẻ Gỗ đã chính thức hoàn thành. Đây là chiếc hồ được thiết kế và quy hoạch bởi các kỹ sư người Pháp. Ngày nay, hồ Kẻ Gỗ chính là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở vùng đất này và cũng chính là điểm tham quan thu hút được nhiều du khách gần xa.
Câu chuyện về "kho báu" truân chuyên bị bỏ hoang 12 năm
Ngoài những địa danh, di tích du lịch nổi tiếng, Hà Tĩnh còn mang ý nghĩa quan trọng khi là địa bàn của nhiều công trình, tài nguyên lớn tác động không nhỏ đến nền kinh tế đất nước. Trong đó, không thể không nói đến câu chuyện "kho báu" 35 tỷ USD lớn nhất Đông Nam Á đang nằm ở Hà Tĩnh, với trữ lượng khổng lồ hơn 500 triệu tấn nhưng bị bỏ hoang ròng rã 12 năm.
"Kho báu" trên chính là cách gọi khác của Mỏ sắt Thạch Khê - mỏ sắt có diện tích 4.821ha, nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc. Khu vực này nằm cách thành phố Hà Tĩnh 8 km về phía Đông, cách bờ biển Đông 1,6 km.
Từ năm 1964, Mỏ sắt Thạch Khê đã xuất hiện trên bản đồ với một nguồn trữ lượng quặng khổng lồ, hơn 544 triệu tấn, được công nhận là mỏ sắt lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra trong quá trình phát triển của nó. Trong khoảng thời gian từ 1987 đến 1998, khu vực này đã chứng kiến hai lần bắt đầu việc khai thác quặng sắt, nhưng sau đó phải tạm dừng để tiến hành các hoạt động nghiên cứu bổ sung.
Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370-400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10-15 triệu tấn mỗi năm, mang lại doanh thu 35 tỷ USD, đóng góp 9 tỷ USD vào ngân sách và tăng GDP 0,3-1% hàng năm. Các nhà chức trách kỳ vọng dự án sẽ giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, đáp ứng được nhu cầu tinh quặng sắt chất lượng cao và giá rẻ cho ngành luyện kim trong nước.
Tuy nhiên cho đến nay, dự án liên tục bị tạm ngưng do điều kiện thủy văn phức tạp cũng như vấn đề về huy động và góp vốn. UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết 6 vấn đề lo ngại, tiềm ẩn rủi ro của dự án gồm: Công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn; năng lực tài chính không đảm bảo.
Từ tháng 11/2011 cho đến nay, Chính phủ đã buộc phải tạm dừng dự án để tiến hành đánh giá lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông để giải quyết những vấn đề phát sinh. Sau khi dự án bị tạm dừng, một hồ nước lớn đã được hình thành.
>> Tỉnh bán đảo ở địa đầu cực Nam Việt Nam sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước