Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư 2 khu công nghiệp tại tỉnh này, tổng quy mô 270ha.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ 2 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, trong 2 tháng đầu năm, các KCN đã thu hút mới 8 dự án FDI với số vốn đăng ký 89,53 triệu USD và 2 dự án đầu tư hạ tầng KCN với số vốn hơn 3.072 tỷ đồng; cấp điều chỉnh cho 41 dự án. Tổng vốn quy đổi đạt hơn 364 triệu USD, đạt 18,23% kế hoạch được giao.
Về phát triển các KCN, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Phúc Sơn (123,94ha) và KCN Việt Hàn mở rộng (147,31ha).
Một KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang |
>> Lộ quy hoạch phân khu 3 đô thị quan trọng tại Bắc Giang
Để bảo đảm tiến độ xây dựng các KCN, Ban Quản lý Các KCN đề nghị tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã quan tâm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các KCN: Yên Lư, Hòa Phú mở rộng, Phúc Sơn và Việt Hàn mở rộng; quan tâm bổ sung nguồn điện cấp cho KCN Yên Lư và sớm có kế hoạch bảo đảm cung cấp điện dịp hè năm 2024 cho các KCN.
Theo ông Trần Quang Tấn Giám đốc Sở Công Thương, hiện nay một số KCN đi vào hoạt động song công suất sử dụng thực tế chưa đạt như đăng ký. Sở đang nỗ lực phối hợp xây dựng các trạm biến áp cung cấp điện cho sản xuất công nghiệp. Cùng với đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm 110 kV, Sở cũng đang xúc tiến xây trạm biến áp 220 kV Yên Lư, phấn đấu hoàn thành vào quý IV/2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh tỉnh Bắc Giang xác định phát triển công nghiệp là đầu tàu cho phát triển kinh tế - xã hội.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Ánh Dương ghi nhận sự nỗ lực của Ban Quản lý Các KCN thời gian qua. Tuy nhiên, đồng chí đánh giá công tác tham mưu còn hạn chế, chưa mang tính chiến lược. “Chúng ta bỏ quên phát triển dịch vụ trong chính KCN. KCN hình thành lạc hậu ngay từ khâu quy hoạch cho thấy tư duy, tầm nhìn, tham mưu chưa tốt" - đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu.
Để khắc phục các hạn chế, tồn tại, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đề nghị Ban Quản lý các KCN tỉnh nhanh chóng tìm giải pháp nâng cao năng lực tham mưu chiến lược, phản ứng nhanh nhạy kịp thời với khó khăn, vướng mắc. Xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, ngoại ngữ; trách nhiệm với công việc, thân thiện với nhà đầu tư; nâng cao năng lực, trách nhiệm đồng hành cùng nhà đầu tư. Hàng tháng lập danh sách dự án đầu tư trọng điểm trong KCN để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền các chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các KCN và các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá toàn bộ quy hoạch, hiện trạng hạ tầng quanh KCN và các KCN sắp triển khai.
Sở Công Thương tiếp tục tích cực tham mưu nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài cung cấp điện cho KCN Yên Lư và các KCN mới được phê duyệt. Chủ động làm việc với các đơn vị liên quan trong kế hoạch cung ứng điện cho mùa hè năm 2024.
Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản trực tiếp trao đổi, hướng dẫn, phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Xây dựng, rà soát lại quy hoạch các KCN, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trong trường hợp cần thiết.
UBND các huyện, thị xã quan tâm, tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng các KCN, đặc biệt là huyện Tân Yên và thị xã Việt Yên với 2 KCN mới.
Bắc Giang là một tỉnh trung du thuộc vùng Đông Bắc Bộ, Việt Nam. Đây là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội với diện tích tự nhiên 3.825,75km2, chiếm 1,2% diện tích tự nhiên của cả nước.
Năm 2023, Bắc Giang là địa phương có thành tích xuất sắc trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lên tới 3 tỷ USD, đứng thứ tư cả nước chỉ sau 3 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, TP. HCM và Hải Phòng.
>> Bắc Giang: Đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng cho dự án khu công nghiệp Phúc Sơn
Lộ quy hoạch phân khu 3 đô thị quan trọng tại Bắc Giang
Bắc Giang: Đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng cho dự án khu công nghiệp Phúc Sơn