Quy mô sử dụng đất của dự án khu công nghiệp là 112,87ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.443 tỷ đồng.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 226/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng.
Theo đó, khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh tổng hợp Thịnh Phát sẽ tiến hành dự án tại xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Quy mô sử dụng đất của dự án là 112,87ha với tổng vốn đầu tư là 1.443,122 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 268,5 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, thời gian hoạt động của dự án là từ ngày 11/3/2024 đến ngày 28/11/2055.
Để đảm bảo phát triển kinh tế đi cùng với việc bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương, UBND tỉnh Long An được giao chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế Long An và các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát, đảm bảo khu vực thực hiện dự án không có công trình di sản văn hóa vật thể hoặc ảnh hưởng đến sản phẩm di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Ban Quản lý khu kinh tế Long An tiến hành kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng đã được phê duyệt, đảm bảo vị trí, quy mô diện tích của dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt,...
Nhà đầu tư cũng được yêu cầu xây dựng phương án kết nối hạ tầng giữa khu công nghiệp Thịnh Phát hiện hữu và khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng, tiếp thu ý kiến của các Bộ và UBND Long An.
Nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh tổng hợp Thịnh Phát chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án cùng các văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tỉnh Long An nằm ở Vùng đồng bằng sông Cửu Long song lại thuộc Vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh được xác định là vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam.
Huyện Bến Lức nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Long An, đây là địa bàn chiến lược về kinh tế của vùng. Quốc lộ 1 là trục giao thông chính nối liền địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với đồng bằng sông Cửu Long đi qua huyện Bến Lức, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, tiếp cận nhanh chóng những thông tin mới nhất trong nước, hòa nhập với kinh tế thị trường, phát triển nhiều loại hình dịch vụ, hình thành các điểm trung chuyển hàng hóa giữa miền Tây lên thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.
>> Khu công nghiệp trẻ 6 tuổi ‘hút’ hàng nghìn tỷ đồng từ ‘ông lớn’ Nhật Bản