Thế giới 24h

Tòa nhà 30 tầng ở Bangkok đổ sập trong động đất Myanmar: Chủ thầu Trung Quốc từ chối bình luận

Vũ Bấc 30/03/2025 10:49

Trong khi lực lượng cứu hộ Thái Lan chạy đua với thời gian, sự im lặng từ phía nhà thầu Trung Quốc và những câu hỏi về an toàn kết cấu đô thị đang thổi bùng tranh cãi.

Vào thứ sau ngày 28/3, một tòa nhà cao tầng đang thi công tại trung tâm Bangkok (Thái Lan) bất ngờ đổ sập sau dư chấn từ trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra ở Myanmar.

Vụ việc đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng, hơn 80 người đang mất tích và gây rúng động dư luận quốc tế, đặc biệt khi chủ thầu chính – một tập đoàn xây dựng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc – vẫn giữ im lặng.

Tòa nhà 30 tầng bị sập nằm gần chợ Chatuchak – một trong những khu chợ nổi tiếng nhất Bangkok, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Hiện trường trở thành đống đổ nát hỗn độn với bê tông, cốt thép và cột trụ gãy đổ. Lực lượng cứu hộ đã khẩn trương triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, trong khi người thân của các nạn nhân ngồi chờ trong lo lắng bên rìa khu vực sập.

Tòa nhà 30 tầng ở Bangkok đổ sập trong động đất: Chủ thầu Trung Quốc từ chối bình luận - ảnh 1
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường tòa nhà cao tầng bị sập sau dư chấn động đất mạnh, Bangkok, Thái Lan

Trận động đất xảy ra tại Myanmar – quốc gia láng giềng đang bị cô lập về chính trị – nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khu vực ở Thái Lan, đặc biệt là thủ đô Bangkok. Dư chấn khiến các tòa nhà chọc trời rung lắc, nước tràn ra khỏi các hồ bơi vô cực trên sân thượng, tàu điện ngầm bị gián đoạn và hàng triệu cư dân hoảng loạn.

Tại Myanmar, chính quyền quân sự xác nhận khoảng 700 người thiệt mạng và hơn 1.600 người bị thương. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cảnh báo số người tử vong có thể vượt 10.000 người do quy mô và ảnh hưởng lớn của trận động đất.

Tòa nhà bị sập được xây dựng bởi một công ty con của Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt số 10 Trung Quốc, thuộc Tổng công ty Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc (CREC) – một trong những nhà thầu xây dựng và kỹ thuật lớn nhất thế giới.

Theo bài đăng trên tài khoản WeChat chính thức ngày 2/4/2024 (hiện đã bị xóa), công trình vừa hoàn thành phần kết cấu chính vào ngày 31/3/2024. Khi hoàn thành, tòa nhà 137m này dự kiến sẽ được sử dụng làm trụ sở của Văn phòng Kiểm toán Nhà nước Thái Lan cùng một số cơ quan chính phủ khác.

Tuy nhiên, sau khi vụ sập xảy ra và các ảnh chụp màn hình bài đăng bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, tập đoàn này đã âm thầm xóa nội dung và từ chối đưa ra bình luận. CNN đã liên hệ với công ty để yêu cầu phản hồi nhưng chưa nhận được hồi âm.

Ngoài ra, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc năm 2021, Công ty TNHH Phát triển Công cộng Ý – Thái cũng tham gia dự án xây dựng này.

Trong số các nạn nhân bị ảnh hưởng, nhiều người là công nhân xây dựng đến từ các khu vực nghèo ở Đông Bắc Thái Lan, hoặc là lao động nhập cư từ Lào, Campuchia và Myanmar – cho thấy sự chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội sâu sắc vẫn tồn tại trong lòng Bangkok hiện đại.

Không chỉ khu vực tòa nhà bị sập, khắp nơi trong siêu đô thị Bangkok – trung tâm kinh tế và du lịch hàng đầu Đông Nam Á – đều chịu ảnh hưởng mạnh từ trận động đất hiếm gặp. Các tòa nhà chọc trời bằng kính và thép, biểu tượng của sự thịnh vượng và phát triển hiện đại, rung lắc dữ dội, làm bụi rơi xuống khắp các con đường bên dưới.

Một đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy cây cầu nối hai tòa chung cư cao cấp ở khu phố sang trọng bị gãy đôi giữa trận động đất. Các video khác ghi lại cảnh nước từ các hồ bơi vô cực trên sân thượng – biểu tượng xa hoa của tầng lớp giàu có Bangkok – tràn ào ạt xuống đường phố bên dưới như thác đổ.

Vào ngày thứ Bảy (29/3), chính quyền Bangkok đã nhận được gần 1.000 báo cáo về mối quan ngại kết cấu tại các tòa nhà trên toàn thành phố. Đội ngũ kỹ sư đang được huy động khẩn cấp để đánh giá độ an toàn của từng công trình.

Theo hệ thống phân loại theo 3 cấp độ đã được chính quyền thành phố được công bố: Xanh lá cây - Công trình an toàn, không hư hỏng; Vàng - Có hư hỏng nhẹ, vẫn có thể sử dụng với sự cẩn trọng, và Đỏ - Hư hỏng nghiêm trọng, phải đóng cửa và cấm sử dụng.

Bangkok đã trải qua tốc độ đô thị hóa chóng mặt trong vài thập kỷ gần đây, với hàng loạt chung cư cao tầng và tòa nhà thương mại mọc lên như nấm. Tuy nhiên, sự kiện này đã đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về độ an toàn kết cấu, đặc biệt trong một thành phố không nằm trên đường đứt gãy kiến tạo lớn, nhưng lại dễ bị ảnh hưởng bởi các chấn động từ xa.

Tòa nhà 30 tầng ở Bangkok đổ sập trong động đất: Chủ thầu Trung Quốc từ chối bình luận - ảnh 2
Một cây cầu nối hai tòa nhà chung cư cao tầng bị hư hại sau trận động đất mạnh tại Bangkok, Thái Lan

Câu chuyện của cư dân Bella Pawita Sunthornpong – người sống tại tầng 33 của một tòa nhà cao tầng – cho thấy mức độ hoảng loạn mà cư dân phải trải qua. Ban đầu, cô nghĩ rằng mình bị choáng váng, nhưng khi thấy đèn trần lắc mạnh và lớp sơn trần bắt đầu rơi xuống, cô hiểu rằng đây là một trận động đất thực sự.

“Tôi đã nghĩ rằng, dù có chuyện gì xảy ra, tôi chỉ cần tiếp tục chạy cho đến khi chạm đất,” cô Pawita nói với CNN. “Tôi vừa cầm điện thoại, vừa chạy xuống cầu thang và hét lên bảo mọi người chạy theo.”

Thảm kịch lần này không chỉ đặt ra câu hỏi về chất lượng công trình, trách nhiệm pháp lý của các nhà thầu nước ngoài, mà còn phơi bày lỗ hổng trong quản lý xây dựng đô thị khi một thành phố không nằm trên đường đứt gãy kiến tạo lớn vẫn phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng từ một trận động đất ở xa hàng trăm dặm.

Tham khảo CNN

>> ‘Vết cắt’ trên Trái Đất âm thầm tồn tại suốt 200 năm: Trận động đất ở Myanmar đã được dự báo trước?

Hơn 1.600 người thiệt mạng vì động đất, quốc tế khẩn trương hỗ trợ Myanmar

Số người thiệt mạng trong vụ động đất ở Myanmar, Thái Lan vượt quá 1.000 người

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/toa-nha-30-tang-o-bangkok-do-sap-trong-dong-dat-chu-thau-trung-quoc-tu-choi-binh-luan-139312.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tòa nhà 30 tầng ở Bangkok đổ sập trong động đất Myanmar: Chủ thầu Trung Quốc từ chối bình luận
    POWERED BY ONECMS & INTECH