Tòa nhà chọc trời 500m ‘chạm đỉnh’ một châu lục, xoắn 90 độ từ trên xuống dưới, phần móng sâu 82m lập kỷ lục thế giới
Cứ mỗi 14 tầng, tòa tháp lại được trang bị một tầng kỹ thuật đặc biệt.
Tọa lạc trong khu phức hợp ven sông mới tại thành phố Saint Petersburg, Nga, tòa tháp Lakhta Center với chiều cao 462m không chỉ là biểu tượng kiêu hãnh của thành phố mà còn là công trình cao nhất châu Âu. Với 87 tầng và thiết kế độc đáo xoắn 90 độ từ móng lên đỉnh, Lakhta Center là một ví dụ điển hình cho kiến trúc nhà chọc trời xoắn hiện đại.
Thiết kế của Lakhta Center mang tính đa năng, phục vụ cho cả mục đích dân cư và thương mại. Từ độ cao 360m trở lên, các tầng của tòa nhà được dành cho đài quan sát và nhà hàng, mang đến tầm nhìn tuyệt đẹp ra vịnh Phần Lan. Lakhta Center khởi công xây dựng vào năm 2012 và đến năm 2017, nó vượt qua Federation Tower ở Moscow (374m) để trở thành tòa nhà cao nhất châu Âu.
Lakhta Center có 87 tầng, hiện xếp thứ 16 trong danh sách những tòa nhà cao nhất thế giới. Mặt tiền của tòa tháp được tạo nên từ 16.500 tấm kính chớp tự động, giúp cân bằng nhiệt độ cho không gian bên trong và đổi màu sắc theo ánh sáng mặt trời. Vào năm 2015, tòa tháp đã xác lập một kỷ lục ấn tượng khác: phần móng công trình sâu 82m dưới mặt đất được ghi nhận là khối bê tông được đổ liên tục lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, kỷ lục này đã bị vượt qua hai năm sau đó bởi một công trình khác ở Dubai.
Gió gần đỉnh tháp có thể thổi ở vận tốc lên đến 167km/h. Để tăng cường tính thân thiện với môi trường, các nhà phát triển đã lắp đặt nhiều hệ thống hiện đại, bao gồm hệ thống tái sử dụng và lọc nước. Đỉnh tháp của tòa nhà sử dụng cần trục cao nhất châu Âu để lắp đặt và không cần sự hỗ trợ của trực thăng.
Việc xây dựng Lakhta Center diễn ra từ tháng 10/2012 đến tháng 10/2018, với sự đóng góp của 600 công ty từ khắp nơi trên thế giới. Điều này đã tạo ra tác động đáng kể đến sự phát triển ngành xây dựng của Nga khi đại diện từ các công ty xây dựng và kiến trúc hàng đầu thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm của họ với các chuyên gia Nga. Quá trình này bao gồm một cuộc thi dành cho các kiến trúc sư trẻ người Nga để thiết kế các cơ sở khác nhau xung quanh Lakhta.
Philip Nikandrov, kỹ sư trưởng của Gorproject – công ty chịu trách nhiệm xây dựng tòa tháp chọc trời chia sẻ với CNN rằng văn phòng của tập đoàn Gazprom – doanh nghiệp dầu khí khổng lồ của Nga chỉ chiếm một phần ba tổng diện tích toàn khu phức hợp. Phần diện tích còn lại được dành cho các tiện ích công cộng như khán phòng đa năng, khu vực bán lẻ, trung tâm y tế, phòng thể hình và bảo tàng khoa học.
Cứ mỗi 14 tầng, tòa tháp lại được trang bị một tầng kỹ thuật đặc biệt, được thiết kế để phân tán và kiểm soát bất kỳ tác động nào đến cấu trúc của tòa nhà chọc trời này. Kề bên tòa tháp là một khu phức hợp trải dài 260m. Nằm cách trung tâm thành phố 8km, Lakhta Center không gây ảnh hưởng đến cảnh quan của thành phố lịch sử, vốn đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1990.