Tòa thành đất rộng hơn 43.000m2 là nơi vua Hàm Nghi xây thành lũy, đặt súng thần công, ra chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp

17-02-2024 00:18|Quỳnh Châu

Đây là một trong số rất ít thành trì đắp bằng đất còn lưu lại ở Việt Nam với niên đại gần 130 năm.

Vua Hàm Nghi tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch (1871-1944), là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn - triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Năm 1884, Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13.

Sau cuộc phản công tại Kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài, chọn xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) làm căn cứ địa. Tại đây, vua viết chiếu Cần Vương, kêu gọi toàn dân đánh đuổi thực dân Pháp. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đem an trí ở Algeria và qua đời tại đây năm 1944. Ông cùng với các vua chống Pháp gồm Thành Thái, Duy Tân là ba vị vua yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc.

Tượng thờ vua Hàm Nghi đặt trong đền ở thành Sơn Phòng. Ảnh: VnExpress

Tượng thờ vua Hàm Nghi đặt trong đền ở thành Sơn Phòng. Ảnh: VnExpress

Thành Sơn Phòng được vua Hàm Nghi cho xây dựng vào năm 1885, bốn phía có làng quê bao bọc. Công trình nằm ở tả ngạn sông Tiêm, gần chân núi Trường Sơn. Đây là vị trí rất thuận lợi trong quân sự, có thể xuôi về tỉnh lỵ Hà Tĩnh, có đường tắt qua tỉnh Nghệ An, lại có đường xuyên rừng đi vào Quảng Bình hoặc sang Lào.

Tòa thành này có sự đóng góp nhân lực, vật lực của gần 40 xã thuộc các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… của tỉnh Hà Tĩnh.

Theo một số bậc bô lão ở xã Phú Gia, thành Sơn Phòng được xây dựng hết sức công phu. Năm xưa nhân dân tổ chức đi đắp thành theo từng đội, từng tốp luân phiên nhau. Khối lượng công việc được giao tương ứng với số người của từng nhóm, nếu hoàn thành nhanh chóng sẽ được thưởng, mỗi đợt kéo dài từ 9-10 ngày, sau đó họ lại quay về sản xuất, các nhóm khác sẽ lên thay thế cho đến khi thành xây dựng xong.

Đền thờ vua Hàm Nghi nằm trong khuôn viên thành Sơn Phòng

Đền thờ vua Hàm Nghi nằm trong khuôn viên thành Sơn Phòng

Mặt bằng hình chữ nhật, tổng diện tích khoảng 43.656m2 (204m x 214m). Chiều cao của thành từ 1-2m, mặt thành rộng gần 3m, chân thành rộng 10,8m, trên mỗi tường thành đều có cổng, các góc tạo lồi hình nửa bát giác để làm bốt canh, xung quanh thành có hào sâu 1,7m, rộng 5,8m. Thành được chia làm 5 khu vực: khu trung tâm, hệ thống tường thành, cổng thành và hào thành.

Thành Sơn Phòng xây dựng theo cấu trúc hình vauban. Ảnh: Dân Trí

Thành Sơn Phòng xây dựng theo cấu trúc hình vauban. Ảnh: Dân Trí

Thành Sơn Phòng có 4 cửa theo hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Mỗi cổng có kích thước 8m, riêng cổng chính có kích thước 8,5m, tại 4 góc có 4 ụ đất đặt súng thần công.

Dưới chân thành đều có hào nước vừa để ngăn cản quân địch, vừa là đường thủ nối liền các khu vực trong thành và cũng là đường rút lui ra sông Tiêm để vào rừng khi có nguy biến. Hào sâu 2m, rộng trung bình 5,5m. Ngày nay, hệ thống hào thành trở thành kênh dẫn nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.

thanh son phong anh 1
thanh son phong anh 2
Một số dấu tích còn lại của thành Sơn Phòng. Ảnh: VnExpress

Một số dấu tích còn lại của thành Sơn Phòng. Ảnh: VnExpress

Theo tục xưa, thành Sơn Phòng còn gọi là Ấu Sơn, được triều đình nhà Nguyễn lựa chọn làm căn cứ đại bản doanh để luyện tập quân sự. Và cũng chính nơi đây, vua Hàm Nghi từ Kinh thành Huế ra cùng với các tướng lĩnh, văn thân, sĩ phu yêu nước như: Phan Đình Phùng, Lê Ninh, Đinh Công Tráng, Tôn Thất Đạm, Nguyễn Phạm Tuân... trực tiếp lãnh đạo phong trào Cần Vương, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong quãng thời gian 3 năm (1885-1888)…

Tuy nhiên, sau này do tác động của thời gian, sự tàn phá ghê gớm từ hai cuộc chiến tranh chống Pháp – Mỹ, sự tàn phá của thiên tai, bão lũ… khiến thành Sơn Phòng xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 2001, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định công nhận thành Sơn Phòng, đền Công Đồng và miếu Trầm Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê) là một quần thể Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Kể từ đó đến nay, thành Sơn Phòng đã không ngừng được đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo, nhằm khôi phục, tái hiện lại toàn vẹn hình dáng sơ khai vốn có khi xưa…

Được biết, hiện tại ở Việt Nam số lượng thành trì được đắp bằng đất còn lại là thành Cổ Loa (TP. Hà Nội) được xây dựng từ thời An Dương Vương, niên đại hơn 2.000 năm; thành Xích Thố (Quảng Bình) đắp từ thời nhà Mạc, cách ngày nay trên 400 năm và thành Sơn Phòng (Hà Tĩnh) xây dựng thời nhà Nguyễn, cách ngày nay gần 130 năm...

>> Việt Nam sở hữu tòa thành đất hơn 2.000 tuổi có cấu trúc độc đáo và quy mô nhất Đông Nam Á, là công trình quân sự vĩ đại trong lịch sử dân tộc

Tòa thành đá ong 16ha duy nhất có lịch sử hơn 200 năm, sở hữu kiến trúc quân sự bề thế bậc nhất Việt Nam

Ngôi đền thiêng có quy mô bề thế với 5 gian tiền đường, sở hữu bộ tượng Tam Tòa Thánh Mẫu bằng đồng nặng hơn 6 tấn xác lập kỷ lục Việt Nam

Tòa thành có niên đại cổ nhất Việt Nam, là nơi sở hữu cặp rồng đá nghìn năm tuổi vừa được công nhận bảo vật Quốc gia

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/toa-thanh-dat-rong-hon-43000m2-la-noi-vua-ham-nghi-xay-thanh-luy-dat-sung-than-cong-ra-chieu-can-vuong-chong-thuc-dan-phap-d116260.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tòa thành đất rộng hơn 43.000m2 là nơi vua Hàm Nghi xây thành lũy, đặt súng thần công, ra chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp
POWERED BY ONECMS & INTECH