Tổng quan thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam quý II/2022

15-07-2022 13:02|Minh Anh

Theo công bố từ HNX, đến hết quý II/2022, số lượng các tài khoản trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đạt 1.034.141 tài khoản.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có báo cáo cập nhật diễn biến thị trường chứng khoán phái sinh quý II/2022 với một số điểm nhấn đáng chú ý.

Tiếp nối những khó khăn trong quý I/2022, sang quý II/2022 nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Vẫn là những biến số tiêu cực trước đây nhưng ở mức độ trầm trọng hơn, trong bối cảnh các biến chủng COVID mới vẫn lan rộng; sự bất ổn cùng các yếu tố nguy cơ, hệ quả tiêu cực từ những xung đột địa chính trị - kinh tế vẫn kéo dài. Lạm phát đình đốn (Stagflation) và suy thoái (Recession) là những cụm từ bắt đầu được nhắc đến thường xuyên trong các Báo cáo phân tích của các tổ chức và chuyên gia uy tín thế giới.

Các tổ chức quốc tế uy tín đều tiếp tục hạ dự báo về mức độ tăng trưởng toàn cầu năm 2022 với mức dao động từ 2,9 đến 3,1%, tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế phát triển được dự báo ở mức 5,7%, còn các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi là 8,7% trong năm 2022, cao hơn đáng kể so với dự báo đưa ra trước đó. Ngân hàng Trung ương các nước phát triển liên tiếp tăng lãi suất nhằm đẩy lùi tình trạng siêu lạm phát đang diễn ra. 

Trước áp lực đến từ nhiều phía, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được các thành tựu vô cùng ấn tượng: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng trưởng quý II cao nhất từ năm 2011 qua đó cho thấy sự phục hồi tích cực của nền kinh tế Việt Nam.

Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42% - cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021.

Lạm phát ở Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát. CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và chỉ số PMI liên tục thiết lập các mức tăng kỷ lục mới; các chỉ tiêu cân đối vĩ mô được bảo đảo ổn định,…

Trong quý II/2022, thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn tiếp tục biến động mạnh theo hướng tiêu cực do các vấn đề kinh tế vĩ mô ngày càng bộc lộ những bất ổn hiện hữu và tiềm tàng, xung đột địa chính trị vẫn kéo dài dai dẳng, chứng kiến sự giảm điểm đối với các chỉ số các thị trường lớn như Dow Jones, S&P 500, Nasdaq, DAX, FTSE 100, CAC 40, Euro Stoxx 50, Hang Seng, KOSPI… 

Trong quý II/2022, chỉ số VN-Index và VN30 giao dịch kém sôi động trên nền thanh khoản giảm mạnh nhưng lại biến động mạnh theo hướng tiêu cực về điểm chỉ số trong xu hướng giảm (downtrend) dưới tác động của vòng xoáy tiêu cực đến từ thị trường chứng khoán thế giới, với mức dao động trong khoảng 1.530,95 điểm (cao nhất, ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 4/4/2022) – 1.156,54 điểm (thấp nhất, ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 17/5/2022) đối với VN-Index và 1.566,09 điểm (cao nhất, ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 7/4/2022) – 1.203,51 điểm (thấp nhất, ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 17/5/2022) đối với VN30.

Phiên giao dịch ngày 30/6/2022, VN-Index đóng cửa tại 1.197,60 điểm, giảm mạnh hơn -19,7% so với giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của quý I/2022 (1.492,15 điểm). Trong khi đó, VN30 đạt 1.248,92 điểm giảm hơn -17.2% so với giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của quý I/2022 (1.508,53 điểm). Khối lượng giao dịch rổ VN30 đạt trung bình hơn 148,5 triệu cổ phiếu/phiên - giảm mạnh -26,1% so với bình quân quý I/2022.

Thống kê thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam

Sự kiện nổi bật

Ngày 16/5/2022, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam ban hành Quyết định về việc ban hành Quy chế bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, có hiệu lực từ 1/6/2022 thay thế Quyết định số 96/QĐ-VSD ngày 23/3/2017 của Tổng Giám đốc VSD về việc ban hành Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh và Quyết định số 87/QĐ-VSD ngày 19/7/2018 sửa đổi, bổ sung Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 96/QĐ-VSD. Một số thay đổi chủ yếu qui định tại Quy chế này so với các Quy chế cũ như sau:

Thay đổi phương pháp tính giá thanh toán cuối cùng (FSP) của Hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 từ ''là giá trị đóng cửa của chỉ số cơ sở tại ngày giao dịch cuối cùng'' thành ''là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số trong 30 phút cuối cùng của ngày giao dịch cuối cùng (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa), sau khi loại trừ 3 giá trị chỉ số cao nhất và 3 giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục". Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đầu tiên áp dụng phương pháp tính giá FSP này là VN30F2206 đáo hạn ngày 26/6/2022;

Loại trừ giá giao dịch thỏa thuận khi tính toán mức ký quỹ yêu cầu và tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ trong phiên giao dịch cũng như khi tính giá thanh toán hàng ngày theo phương pháp bình quân gia quyền (trong trường hợp không có giá đóng cửa).

Đối với ký quỹ biến đổi (Variation Margin - VM): Vị thế hiện có trên tài khoản: Là chênh lệch giữa giá giao dịch được cập nhật trong phiên giao dịch (ngoại trừ giá của giao dịch thỏa thuận) với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước (đối với vị thế đã có trên tài khoản từ cuối ngày giao dịch liền trước), hoặc với giá thanh toán mở vị thế (đối với vị thế vừa mở trong ngày). Mức ký quỹ yêu cầu và tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ sẽ được tính mà loại trừ giá của giao dịch thỏa thuận. Trong khi theo quy định cũ: Vị thế hiện có trên tài khoản được tính là giá giao dịch được cập nhật trong phiên giao dịch với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước (đối với vị thế đã có trên tài khoản từ cuối ngày giao dịch liền trước), hoặc với giá thanh toán mở vị thế (đối với vị thế vừa mở trong ngày);

Giá thanh toán cuối ngày (DSP) đối với Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ (HĐTL TPCP) được quy định như sau: giá bình quân gia quyền (VWAP) của các giao dịch HĐTL TPCP khớp lệnh trong số 10 giao dịch được khớp cuối phiên giao dịch khớp lệnh liên tục sau khi đã loại bỏ giá cao nhất và giá thấp nhất nếu trong 30 phút cuối của phiên giao dịch khớp lệnh liên tục có từ 10 giao dịch trở xuống được khớp, không loại bỏ trong trường hợp có hơn 01 giao dịch cùng mức giá cao nhất hoặc thấp nhất trong khi theo qui định trước đây thì: Trường hợp tính VWAP: VWAP của các giao dịch trong số 10 giao dịch cuối phiên sau khi đã loại bỏ giá cao nhất và giá thấp nhất nếu trong 30 phút cuối phiên có ít hơn 10 giao dịch được khớp.

Ngày 20/5/2022 Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã ban hành Quyết định số 20/QĐ-SGDVN về việc ban hành Quy chế Niêm yết và giao dịch Hợp đồng tương lai.

Ngày 23/6/2022, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam ban hành Quyết định số 84/QĐ-VSD về việc ban hành Quy chế thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Trái ngược với thị trường chứng khoán cơ sở, trong quý II/2022, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam giao dịch rất sôi động và tăng trưởng mạnh so với quý I/2022 với tổng khối lượng giao dịch tăng hơn 119,8%. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 17,285 triệu hợp đồng, khối lượng giao dịch bình quân đạt 277.669 hợp đồng/phiên.

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 21/6/2022, thị trường chứng khoán phái sinh đã ghi nhận con số 506.025 hợp đồng được giao dịch – đây là mức cao kỷ lục về khối lượng giao dịch trong một phiên kể từ khi khai trương thị trường chứng khoán phái sinh tháng 8/2017 đến nay. 

HĐTL chỉ số VN30

Tổng số phiên giao dịch trong quý: 62 phiên

Khối lượng giao dịch cao nhất trong quý II/2022 đạt 506.025 hợp đồng vào ngày 21/6/2022.

HĐTL trái phiếu Chính phủ 5 năm

- Tổng số phiên giao dịch trong quý: 62 phiên

- Trong quý II/2022, tổng khối lượng giao dịch của HĐTL trái phiếu Chính phủ 5 năm là 58.732 hợp đồng, OI cuối quý là 0 hợp đồng.

HĐTL trái phiếu Chính phủ 10 năm

- Tổng số phiên giao dịch trong quý: 62 phiên

- Trong quý II/2022, tổng khối lượng giao dịch của HĐTL trái phiếu Chính phủ 10 năm là 6.000 hợp đồng, OI cuối quý là 0 hợp đồng.

Cơ cấu nhà đầu tư thị trường chứng khoán phái sinh

Số lượng các tài khoản giao dịch mở trên thị trường phái sinh duy trì đà tăng trưởng bền vững kể từ thời điểm khai trương thị trường năm 2017. Tuy nhiên, nếu tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng tài khoản mở mới đã cho thấy sự chững lại và suy giảm mức độ tăng trưởng.

Đến hết quý II/2022, số lượng các tài khoản trên thị trường phái sinh đạt 1.034.141 tài khoản.

Thị phần môi giới chứng khoán phái sinh

Tính đến hết ngày 30/6/2022, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam có 23 công ty chứng khoán thành viên trong đó trong quý II/2022, top 5 thị phần môi giới trên thị trường chứng khoán phái sinh gồm VPS, HSC, SSI, VND, TCBS.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo hai cổ phiếu có khả năng bị hủy niêm yết

Phát triển thị trường trái phiếu riêng lẻ: cần minh bạch, lành mạnh từ “móng”

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tong-quan-thi-truong-chung-khoan-phai-sinh-viet-nam-quy-ii2022-140362.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tổng quan thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam quý II/2022
    POWERED BY ONECMS & INTECH