Dù lắm con nhiều cháu song không ít doanh nghiệp họ "Sông Đà" thường ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực; một số cổ phiếu thậm chí nằm trong diện cảnh báo, kiểm soát, bị cắt margin trên các sàn giao dịch,...
Tổng CTCP Sông Đà (Mã SJG - UpCOM) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu giảm nhẹ so với quý 3 năm trước còn 1.537 tỷ đồng; lãi gộp đạt 531 tỷ.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của công ty tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ lên mức 86,5 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính giảm 17% YoY về mức 202,5 tỷ (bao gồm 44 tỷ đồng chi phí lãi vay).
Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của SJG tăng 19% so với quý 3/2022 lên mức hơn 70 tỷ (song giảm mạnh so với mức đột biến 1.686 tỷ trong quý liền trước) trong khi chi phí bán hàng không đáng kể.
Khấu trừ các khoản thuế phí, Tổng Sông Đà báo lãi trước thuế quý 3/2022 đạt 334 tỷ đồng; lãi sau thuế gần 305 tỷ - tăng 90% YoY.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này báo doanh thu đạt 4.088 tỷ đồng - giảm gần 500 tỷ so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế thu về 1.548 tỷ đồng - gấp 6 lần mức 257 tỷ đồng trong cùng thời điểm. Đáng nói, khoản lợi nhuận khủng này có đóng góp lớn từ khoản lãi đột biến 1.028 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua với việc công ty ghi nhận đột biến từ khoản doanh thu tài chính.
Trước đó, ghi nhận tại báo cáo soát xét, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của SJG tăng hơn 106 tỷ đồng lên mức 2.550 tỷ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.243 tỷ đồng - tăng thêm 157 tỷ đồng trong đó lãi sau thuế công ty mẹ tăng 145 tỷ đồng lên 1.114 tỷ.
"Sông Đà" - nhóm doanh nghiệp chuyên "khất nợ cổ tức" kinh doanh ra sao trong quý II/2022?
Tính đến cuối quý 3/2022, tổng tài sản của Tổng Sông Đà ghi nhận mức 25.490 tỷ đồng trong đó tiền mặt - tương đương tiền và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ghi nhận ở mức 4.300 tỷ đồng qua đó giúp công ty thu về hàng trăm tỷ đồng kể từ đầu năm.
Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 17% so với thời điểm đầu năm về còn 6.175 tỷ. Mặc dù vậy, khoản dự phòng khoản phải thu khó đòi lại tăng phi mã từ 334 tỷ đồng lên 1.859 tỷ đồng.
Ngoài ra, SJG cũng có khoản dự phòng đầu tư tài chính dài hạn tăng gần 4,3 lần đầu năm lên mức 112,5 tỷ đồng trong khi không con ghi nhận các khoản trích lập giảm giá đối với hàng tồn kho.
Nợ phải trả của công ty đến ngày 30/9 ở mức 16.677 tỷ đồng trong đó có tới 8.940 tỷ đồng nợ vay tài chính. Riêng khoản vay khổng lồ này đã lớn hơn quy mô vốn chủ sở hữu của Tổng Sông Đà (chỉ đạt 8.810 tỷ) và khiến công ty chịu tới hơn 472 tỷ đồng chi phí lãi vay kể từ đầu năm.
Tổng CTCP Sông Đà là doanh nghiệp lâu năm hiện vẫn đang được sở hữu bởi Bộ Xây dựng (với 51% vốn góp).
Ghi nhận tại thuyết minh báo cáo tài chính kỳ này, Tổng Sông Đà có tổng cộng 19 công ty con nắm giữ trực tiếp và gián tiếp trong đó nhiều doanh nghiệp đang niêm yết hoặc giao dịch trên sàn chứng khoán như Thủy điện Cần Đơn (Mã SJD), Sông Đà 3 (Mã SD3), Sông Đà 6 (Mã SD6), Sông Đà 9 (Mã SD9), Sông Đà 10 (Mã SDT),...
Nhiều doanh nghiệp trong số này thường ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực; một số cổ phiếu thậm chí nằm trong diện cảnh báo, kiểm soát, bị cắt margin trên các sàn giao dịch,...
Về phần SJG, cổ phiếu này kết phiên giao dịch 31/10/2022 tại ngưỡng 13.200 đồng thị giá - giảm gần 50% so với thời điểm cách đây 6 tháng.
Được biết ngày 25/11 tới đây, Tổng Sông Đà sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2021 với tỷ lệ 2,8% (1 cổ phiếu nhận về 280 đồng). Ngày thành toán là 26/12/2022.
Xem thêm các bài viết liên quan đến #Kết quả kinh doanh quý 3/2022 #báo cáo tài chính #kết quả kinh doanh #lợi nhuận sau thuế
Novaland (NVL) chấm dứt hợp đồng kiểm toán với đơn vị thuộc Big4 sau gần một thập kỷ hợp tác
Đình chỉ kiểm toán viên liên quan báo cáo tài chính năm 2023, Quốc Cường Gia Lai (QCG) nói gì?