Quốc tế

Tổng thống Biden đặt ra thuế mới đánh vào ngành đóng tàu của Trung Quốc, hai quốc gia châu Á 'ngư ông đắc lợi'

Vũ Bấc 07/05/2024 - 12:54

Mỹ chuẩn bị đặt ra loại thuế mới hòng giảm ưu thế hàng hải của Trung Quốc, ngành đóng tàu của Nhật Bản và Hàn Quốc nghiễm nhiên thành "ngư ông đắc lợi".

Tổng thống Biden vào tháng 4 đã mở một cuộc điều tra về các hoạt động kinh tế bị cáo buộc là “cạnh tranh thương mại không công bằng” của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu và logistics hàng hải. Động thái này có thể dẫn đến việc áp thuế đối với các tàu do Trung Quốc đóng đang cập cảng của Mỹ.

Biện pháp này với mục tiêu rõ ràng là để hỗ trợ các công ty đóng tàu Mỹ, nhưng trên thực tế lại giúp ích nhiều nhất cho các nhà sản xuất ở Hàn Quốc và Nhật Bản - hai quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc vẫn có năng lực đóng tàu thương mại đáng kể trên thế giới. Bất kì quốc gia nào trong ngành đều đang đấu tranh để bảo vệ thị phần của mình trước các đối thủ Trung Quốc ngày càng có nhiều lợi thế về quy mô và giá thành thấp hơn.

Tổng thống Biden đặt ra thuế mới đánh vào ngành đóng tàu của Trung Quốc, hai quốc gia châu Á 'ngư ông đắc lợi'
Tàu của hãng CSSC chuẩn bị hạ thủy ở cảng Thành Tây, Thượng Hải, Trung Quốc

Nhu cầu đối với các tàu do Trung Quốc đóng sẽ giảm nếu Mỹ áp dụng phí cảng đối với các tàu do Trung Quốc đóng. Tuy nhiên kết quả sau đó thì sao? Liệu những nhà sản xuất nào đủ năng lực và có giá thành phải chăng để thay thế Trung Quốc hay không là một câu hỏi lớn.

Thế mạnh không ai bì nổi của Trung Quốc

Các công ty đóng tàu Trung Quốc - dẫn đầu là Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC) và các công ty con - kiểm soát khoảng 46% thị trường đóng tàu toàn cầu tính đến năm 2023. Trung Quốc chiếm ưu thế trên gần như mọi loại sản phẩm, từ tàu container, tàu chở hàng rời đến tàu chở dầu, tàu chuyên vận chuyển khí dầu mỏ hóa lỏng và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), theo dữ liệu được tổng hợp bởi công ty tư vấn Reddal.

Theo sau là Hàn Quốc với 41% thị phần, kế đến lần lượt là Nhật Bản và châu Âu.

Tổng thống Biden và nội các của ông có lí do để lo ngại trước sự thống trị tuyệt đối trong ngành đóng tàu của Trung Quốc, và từ đó là ưu thế trong các ngành vận tải liên quan. Các công ty Trung Quốc sản xuất hơn 95% container của thế giới và quốc gia này là nơi có 7 trong số 10 cảng container hàng đầu thế giới tính theo sản lượng.

Vào cuối tháng 4, CSSC đã ký một hợp đồng trị giá gần 6 tỷ USD mua 18 tàu chở LNG “cỡ tối đa” với QatarEnergy, một trong những nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu của nhà nước Quatar.

“Tuy nhiên, có một sự thật là ngành đóng tàu Mỹ sản xuất chưa tới 1% số tàu thương mại của thế giới, chính sách này sẽ không khác gì “tự bắn vào chân mình". Việc tăng phí cảng để giành thị phần lớn hơn trước những đối thủ như Hàn Quốc Nhật Bản là chuyện nực cười”, một chuyên gia tư vấn trong ngành nhận xét.

Stuart Nicoll, Giám đốc của công ty tư vấn Maritime Strategies International, cho biết mặc dù khó so sánh giữa các nhà máy đóng tàu nhưng chi phí đóng một con tàu ở Mỹ thường cao gấp 3 đến 4 lần so với những nơi khác.

Ông Nicoll chỉ ra rằng: “Thực tế là các công ty đóng tàu của Mỹ đã không sản xuất cho thị trường quốc tế trong nhiều thập kỷ”.

Ngược lại, Bắc Kinh đã “đầu tư số tiền khổng lồ vào việc xây dựng các nhà máy đóng tàu hoàn toàn mới có thể đóng tàu rất hiệu quả”, Rob Willmington, biên tập viên thị trường tại Lloyd's List, cho biết. “Họ có lực lượng lao động rất nhanh nhẹn, chi phí nhân công thấp và có tay nghề cao, có thể làm việc trong nhiều giờ”.

Hàn Quốc "ngồi không hưởng lợi"

Sự cạnh tranh ngày càng tăng của Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà sản xuất Hàn Quốc, bao gồm Hyundai Heavy Industries, Samsung Heavy Industries và Hanwha Ocean, cố gắng bảo vệ vị trí trong chuỗi giá trị, tập trung vào các tàu chở LNG và tàu phát thải thấp.

Tổng thống Biden đặt ra thuế mới đánh vào ngành đóng tàu của Trung Quốc, hai quốc gia châu Á 'ngư ông đắc lợi'
Một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ nhà máy đóng tàu của Công ty Đóng tàu & Kỹ thuật Hàng hải Daewoo ở Geoje, Hàn Quốc, năm 2016

Những nỗ lực của Hàn Quốc đã được đền đáp trong quý đầu tiên của năm nay, khi các công ty đóng tàu Hàn Quốc đạt tổng đơn đặt hàng đóng tàu là 13,6 tỷ USD, tăng 41,4% so với một năm trước đó, trong khi của Trung Quốc tăng 8,6% so với cùng kỳ lên khoảng 12,6 tỷ USD, theo số liệu của ngành.

Đơn đặt hàng tàu vận chuyển LNG và LPG của Hàn Quốc cũng vượt Trung Quốc, cổ vũ các Giám đốc điều hành của xứ sở kim chi tìm kiếm những cách tiên phong hơn chẳng hạn như thử nghiệm tàu chạy bằng amoniac, tiết kiệm nhiên liệu. Thị trường đóng tàu vẫn nhận thức phổ biến rằng chất lượng của Trung Quốc không tốt bằng Hàn Quốc nhưng khoảng cách này đang dần được thu hẹp nhờ các chính sách hỗ trợ khổng lồ của Chính phủ Bắc Kinh.

Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ, chính phủ Hàn Quốc cùng với ba công ty đóng tàu lớn của nước này đã công bố gói hỗ trợ doanh nghiệp 5 năm trị giá 9 nghìn tỷ won (6,5 tỷ USD) cho ngành đóng tàu nhằm “vượt xa” Trung Quốc về công nghệ và giảm bớt tình trạng thiếu lao động.

Trong khi đó, nhiều nhà máy của Nhật Bản cũng đã bắt đầu chuyển sang đóng tàu công nghệ cao hơn, trong đó Shin Kurushima Dockyard - một nhóm gồm 5 công ty đóng tàu - đang triển khai dự án 4 năm cho các tàu phát thải thấp. Các công ty đóng tàu khác của Nhật Bản đã sáp nhập để duy trì khả năng cạnh tranh hoặc tồn tại trong bối cảnh hiện nay.

Về động thái Mỹ chuẩn bị áp phí đối với tàu Trung Quốc, chuyên gia ngành hàng hải Nhật Bản Kentaro Maekawa cho rằng “sẽ rất khó để thay đổi mạnh mẽ cơ cấu ngành, bao gồm cả khả năng cạnh tranh về chi phí, khi Mỹ chỉ muốn can thiệp thông qua thuế quan”.

Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc có thể hưởng lợi từ phí cảng của Mỹ khi chèn ép và giành được thị phần từ tay Trung Quốc, thuế quan cao sẽ chỉ tăng thêm chi phí cho người tiêu dùng Mỹ và không đem lại mấy lợi thế cho các nhà đóng tàu nội địa.

>> Trung Quốc 'trụ vững' ngôi vương, bất ngờ chiếm 50% sản lượng ngành đóng tàu thế giới

Bị 'cấm cửa' tại Mỹ, 'miếng bánh' tỷ USD mà TikTok để lại sẽ chia đều cho những 'ông lớn' nào?

Nhật Bản đẩy mạnh xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) sang Đông Nam Á, Việt Nam là đối tác hàng đầu

Tổng thống Biden chỉ trích nhiều cường quốc châu Á là nền kinh tế 'bài ngoại', trong đó có cả đồng minh chiến lược Nhật Bản

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tong-thong-biden-dat-ra-thue-moi-danh-vao-nganh-dong-tau-cua-trung-quoc-hai-quoc-gia-chau-a-ngu-ong-dac-loi-233749.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tổng thống Biden đặt ra thuế mới đánh vào ngành đóng tàu của Trung Quốc, hai quốc gia châu Á 'ngư ông đắc lợi'
POWERED BY ONECMS & INTECH