Tổng thống Biden tới châu Phi thúc đẩy siêu dự án đường sắt hàng trăm năm tuổi, quyết đấu với Trung Quốc để kiểm soát ‘vàng xanh’ của thế giới
Trong chuyến thăm Angola, Tổng thống sẽ nhấn mạnh sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với cơ sở hạ tầng nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Đều đặn mỗi tuần hai lần, một chuyến tàu hàng chở hàng trăm tấn quặng đồng từ các mỏ ở Cộng hòa Dân chủ Congo sẽ cập cảng Lobito, Angola. Đầu máy xe lửa được sản xuất bởi công ty Wabtec của Pittsburgh, nhưng nhiều toa tàu đến từ Trung Quốc. Và ở khu vực ngoài thành phố, đoàn tàu đi qua nhiều tấm biển quảng cáo của một công ty xây dựng Trung Quốc.
Tuyến đường sắt này mang theo một câu chuyện phức tạp về lịch sử và địa chính trị toàn cầu: được xây dựng ban đầu bởi kỹ sư người Scotland Robert Williams vào đầu thế kỷ 20, sau đó được tân trang bởi một công ty Trung Quốc cách đây một thập kỷ, và hiện đang được điều hành bởi một nhóm do nhà giao dịch hàng hóa Trafigura đứng đầu.
Tuyến đường sắt này, chạy từ bờ biển Đại Tây Dương vào sâu trong Congo, đặc biệt thu hút sự chú ý của một hành khách dự kiến sẽ đến sân bay quốc tế Quatro de Fevereiro ở thủ đô Luanda, Angola, cách đó 300 dặm về phía Bắc.
Trong chuyến công tác có thể là lần cuối cùng ra nước ngoài trên cương vị Tổng thống, ông Joe Biden dự kiến sẽ bước xuống từ Air Force 1 vào buổi chiều dưới cái nóng của mùa hè phía Nam, và tuyến đường sắt sẽ là một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông.
Tổng thống Biden, trong chuyến thăm châu Phi đầu tiên của một Tổng thống Mỹ trong gần một thập kỷ, xem đây là cơ hội để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và đảm bảo quyền tiếp cận các khoáng sản quan trọng để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch toàn cầu.
Tuyến đường sắt Lobito dài 1.100 dặm, vốn từng vận chuyển uranium cho Dự án Manhattan, hiện đang được nâng cấp với khoản đầu tư 866 triệu USD nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển các khoáng sản như đồng và cobalt từ Zambia và Congo đến các cảng của Mỹ.
Trước đây, các mỏ ở Zambia và Congo chủ yếu sử dụng xe tải để vận chuyển hàng hóa, một phương thức vận tải đắt đỏ hơn ít nhất 40%, chậm chạp và dễ bị tấn công bởi các nhóm tội phạm. Mặc dù Trung Quốc đã đầu tư phục hồi tuyến đường vào năm 2015, việc vận chuyển hàng hóa gần như không có do năng lực hạn chế và điều kiện đường sắt kém.
Vận chuyển kim loại EV trên khắp Châu Phi
Từ khi nhóm Trafigura tiếp quản và giới thiệu các đoàn tàu mới - chủ yếu do Mỹ tài trợ - thời gian vận chuyển đã được rút ngắn đáng kể, từ hơn một tháng xuống dưới một tuần, giúp việc vận chuyển khoáng sản đến Mỹ nhanh gấp đôi so với trước.
Ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đã bị Trung Quốc bỏ xa trong suốt 2 thập kỷ qua. Ở Angola, quốc gia có 90% doanh thu xuất khẩu từ dầu mỏ, Trung Quốc mua hơn một nửa sản lượng. Bắc Kinh thậm chí còn cam kết đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng một tuyến đường thay thế sang Tanzania.
Với tầm nhìn mở rộng ảnh hưởng, ông Biden còn có kế hoạch xây dựng một tuyến đường sắt bổ sung kết nối Zambia, dài 500 dặm với chi phí khoảng 1,6 tỷ USD. Tuyến đường này sẽ kết nối trực tiếp vùng đồng bằng của Zambia với Lobito qua một tuyến đường ngắn hơn. Như lời bà Helaina Matza từ Bộ Ngoại giao Mỹ: "Đây là một trong những khoản đầu tư tham vọng nhất mà chúng ta đã thực hiện trong rất nhiều năm qua".
Ông Amos Hochstein, cố vấn của Biden, nhấn mạnh: "Chúng ta không có thời gian để lãng phí. Chúng ta đã vắng mặt quá lâu".
Quan hệ ngoại giao giữa Angola và Mỹ được thiết lập vào năm 1993, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc sau sự sụp đổ của Liên Xô. Tuy nhiên, sau cuộc nội chiến, Angola đã quay sang Trung Quốc để tài trợ cho công cuộc tái thiết, đặc biệt là tuyến đường sắt Lobito. Hiện tại, Angola nợ Trung Quốc hơn 1,8 tỷ USD cho dự án này, tương đương khoảng 10% tổng nợ với Bắc Kinh.
Kể từ khi Tổng thống João Lourenço lên nắm quyền năm 2017, Angola đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Xu hướng này cũng được các nước láng giềng như Congo, Tanzania và Zambia theo đuổi, dẫn đến sự gia tăng đầu tư từ phương Tây.
Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) đã phê duyệt khoản vay 553 triệu USD cho dự án đường sắt Lobito Atlantic Railway SA do Trafigura quản lý. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Chính phủ và các công ty Mỹ đã cam kết gần 5 tỷ USD cho các dự án dọc theo hành lang này, bao gồm các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng và viễn thông. Italy và Ngân hàng Phát triển Châu Phi cũng góp 820 triệu USD để kết nối với Zambia, mặc dù số tiền này mới chỉ là một phần nhỏ so với chi phí ước tính.
Động lực chính của các khoản đầu tư này là giành quyền tiếp cận các nguồn khoáng sản chiến lược của châu Phi. Congo và Zambia sở hữu khoảng 10% trữ lượng đồng thế giới và phần lớn cobalt - hai nguồn nguyên liệu then chốt cho ngành sản xuất xe điện và quá trình chuyển đổi năng lượng. Hiện tại, các công ty Trung Quốc đang thống trị thị trường, sản xuất hơn 2/3 lượng đồng và cobalt của Congo, với các khoản đầu tư lên tới 9 tỷ USD kể từ năm 2016.
Các tập đoàn phương Tây giờ đây đang quyết liệt tìm cách giành lại thế thượng phong. KoBold Metals, được Bill Gates hỗ trợ, đang lên kế hoạch xây dựng mỏ đồng trị giá 2,3 tỷ USD tại Zambia. Barrick Gold Corp. và First Quantum Minerals Ltd. cũng đang rót lần lượt 2 tỷ USD và 1,3 tỷ USD để mở rộng sản xuất tại quốc gia này.
Dù vậy, không thể chắc chắn một dự án phức tạp như Lobito sẽ thành công ở một khu vực mà Mỹ không có kinh nghiệm phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt. Và cũng không rõ liệu ông Donald Trump, người từng chỉ trích các quốc gia châu Phi và ít nói tốt về xe điện, có ủng hộ dự án này khi ông quay lại Nhà Trắng vào tháng Giêng không.
Nhưng theo Peter Pham, cựu đặc phái viên của Trump tại khu vực, dự án này có tiềm năng mang lại lợi ích cho cả Mỹ và châu Phi. "Lobito không chỉ thúc đẩy thịnh vượng mà còn giúp Mỹ đảm bảo quyền tiếp cận khoáng sản và thị trường, đồng thời giảm ảnh hưởng của Trung Quốc", ông nhấn mạnh.
Samaila Zubairu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Tài chính Châu Phi, bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai của dự án, "Tại Quốc hội, chúng tôi thấy sự ủng hộ lưỡng đảng rõ ràng".
>> Trung Quốc và Mỹ chạy đua xây siêu dự án đường sắt hàng chục tỷ USD nối liền 2 đại dương